"Đại bản doanh" của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng
Người Sài Gòn vẫn thường gọi đường Lý Tự Trọng là chợ xe Gia Long vì đó cũng là tên cũ của con đường này. Khu tập trung buôn bán xe máy nằm ngay đầu đường và gây chú ý bằng cả thị giác lẫn thính giác từ các gian hàng trưng bày xe hoành tráng kết hợp với lời mời chào của những tay cò xe xung quanh đó nếu bạn vô tình chạy xe sát lề đường. Bao lâu nay, các cò xe vẫn luôn thể hiện sự phồn vinh của chợ xe này bằng những sợi dây chuyền đeo cổ to như sợi xích, thỉnh thoảng lóe chói đầy kiêu hãnh.
|
Nhà thiết kế Quỳnh Paris (phải) giới thiệu một mẫu thời trang |
Bây giờ người ta xem đường Nguyễn Trãi là "Con đường thời trang" lớn nhất ở TPHCM, thật ra thì "ngôi vị" này trước đây thuộc về đường Lý Tự Trọng. Dù đường Lý Tự Trọng không nhiều shop bằng nhưng có một khác biệt cơ bản so với thời trang ở đường Nguyễn Trãi chính là đẳng cấp. Đặc biệt, nơi đây còn được khá nhiều nhà thiết kế nổi tiếng lập "đại bản doanh" như Lê Minh Khoa, Trương Thanh Hải, Võ Việt Chung, Thuận Việt, Quỳnh Paris, Tylor Hồ...
|
Nhà thiết kế Võ Việt Chung và 1 người mẫu quốc tế trong showroom của anh |
Cũng bởi "buôn có hội bán có phường" mà họ kéo về ngày một đông, dù diện tích mặt bằng nhỏ tại đây giá thuê không dưới 1.500 USD, chỗ tốt có khi lên đến 5.000 USD/tháng. Phố thời trang ở Lý Tự Trọng còn biểu hiện sự đẳng cấp hơn hẳn bởi nó không đông đúc và xô bồ như phố thời trang Nguyễn Trãi vốn ngột ngạt với buôn bán lề đường.
|
Bảo tàng TPHCM |
Tô điểm thêm cho sự "sang trọng" của con đường không chỉ có những hàng cây thẳng tắp lâu đời mà còn cả sự hiện diện của Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM và Bảo tàng TPHCM cách nhau bởi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cắt ngang. 2 địa chỉ văn hóa với khuôn viên rộng lớn nằm kề nhau như 2 chứng nhân lịch sử. Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM trước đây chính là thư viện công cộng đầu tiên do Pháp xây dựng, Bảo tàng TPHCM vốn là dinh Thống đốc hay còn gọi là dinh Gia Long.
Đối diện với 2 công trình này là công viên Bách Tùng Diệp và một góc của Tòa án Nhân dân TPHCM cùng tạo nên 4 góc của ngã tư Lý Tự Trọng - Nam Ký Khởi Nghĩa một không gian thật đặc trưng, thường xuyên đông đúc khách bộ hành. Khu vực này không có hàng quán lề đường nên càng sang trọng, lịch lãm như một ốc đảo hiếm hoi giữa Sài Gòn.
Ăn đêm và gặp thần tượng
Dù bạn có đi suốt con đường Lý Tự Trọng đến tận cùng, gặp đường Tôn Đức Thắng với bao sắc thái luân chuyển nhưng nếu chưa đến đây vào ban đêm thì bạn cũng chưa cảm nhận trọn vẹn con đường nhiều tuổi này.
Giới showbiz chia sẻ rằng, khu vực vui và có thể ngồi khuya nhất trên đường này chính là khu vực xung quanh ngã tư Lý Tự Trọng - Nguyễn Trung Trực với la liệt hàng quán ăn đêm. Nếu là fan của một ca sĩ, diễn viên hay người mẫu nào đó, bạn sẽ có cơ hội gặp thần tượng của mình khi chịu khó la cà, ăn khuya tại quán Hương Bắc. Thật dư thừa khi tôi "quảng cáo" cho quán này vì từ khi mở cửa, quán từng được PR rầm rộ lắm do chủ nhân quán là cựu người mẫu Vũ Thu Phương. Cái tên ấy như chất mật thu hút bạn bè trong showbiz đến ủng hộ để rồi nó trở thành điểm tụ họp quen thuộc của giới showbiz lúc nào không hay.
Tại đây, bạn có thể gặp hầu hết những tên tuổi nổi tiếng hay lui tới như ca sĩ Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, hoa hậu Mai Phương Thúy, Ngọc Diễm, Dương Yến Ngọc, Khánh Thy, Bảo Trúc... Họ tới để "tám" đủ mọi chuyện trên đời, thật sự "thả lỏng" sau những phút giây thăng hoa với ánh đèn sân khấu. Quán phục vụ tới tận 5h sáng. Giờ lại nghe nói vị chủ nhân thật sự của quán này là anh trai của Vũ Thu Phương. Người đẹp chỉ đứng ra quảng bá giúp anh. Nghe đâu, người mẫu Lan Hương mới là mỹ nhân gắn với quán này, cô cũng là bạn gái của anh trai Vũ Thu Phương.
Diễn viên Bảo Trúc là một thực khách quen thuộc ở đây. Bảo Trúc cho biết cô thường ra đây không chỉ vì món ăn ngon, giá phải chăng mà chính là "nghiện" cái không khí vui vẻ khi gặp bạn bè trong giới nghệ sĩ. Có bữa thì ngồi đông, có hôm chỉ với 1 người bạn thân để trút bầu tâm sự. Cái không khí về khuya của Sài Gòn mát rượi khiến cho tâm hồn trở nên nhẹ nhõm. Bảo Trúc tâm sự cũng nhờ hay ăn khuya ở đây cùng bạn bè, đặc biệt hay đi cùng người bạn thân là stylist Tân Đà Lạt mà những nỗi buồn trong chuyện gia đình của cô đã nhanh chóng nguôi ngoai, cân bằng để cô bình tâm trở lại showbiz.
|
Người mẫu - diễn viên Bảo Trúc trên phố |
"Hạt nhân" còn lại của khu vực ăn đêm chính là Quán Sài Gòn Xưa và Nay. Hàng đêm thường có thêm “đội văn nghệ lưu động" với cây guitar thùng tự nguyện đến góp vui cùng khách khi đã chếch choáng hơi men. Họ chỉ nhận tiền boa tùy lòng hảo tâm của khách. Lọt thỏm giữa đêm khuya bập bùng, tiếng đàn cùng những giai điệu tiền chiến xen lẫn nhạc trẻ, đôi lúc có cả nhạc quốc tế tạo nên "chất đời" rất riêng của con phố đa sắc màu này.
Nếu thích tìm kiếm những không gian cà phê đặc biệt, dù là ban ngày hay đêm xuống, chắc bạn sẽ thích thú khi ghé đến chung cư số 26 Lý Tự Trọng. Thật bất ngờ khi tại chung cư cổ này có đến 3 quán cà phê: Rhapsody, Sobrero, Bông cải xanh ở tầng 1 và tầng 2. Tất cả đều được trang trí rất phong cách. Rahasody với lợi thế hướng ra mặt đường, view đẹp. Sobrero lạ lẫm với phong cách trang trí mang màu sắc Mexico. Bông Cải xanh là cà phê sách. Tất cả đều phục vụ cơm trưa văn phòng.
Bún chả Hoa Đông, số 121 Lý Tự Trọng là 1 trong số những hàng bún lâu năm nhất tại Sài Gòn. Người sáng lập nay đã 80 tuổi là bà Chung, khởi nghiệp với gánh hàng nhỏ vào khoảng năm 1960. Hai món chính của Hoa Đông là bún chả và nem cua bể. Nem cua bể với nguyên liệu chính là thịt cua, khi khách gọi thì chủ quán mới đem ra chiên. Dùng với bún và rau sống.
Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh do kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux thiết kế, được xây dựng từ năm 1885 đến năm 1890 theo phong cách kiến trúc gothique với phần mái mang dáng dấp Á Đông. Địa chỉ: số 65 Lý Tự Trọng, Q.1, có các hạng mục trưng bày cố định gồm: Địa lý - Hành chính Sài Gòn - TPHCM, Thiên nhiên - Khảo cổ; Thương cảng, Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - TPHCM; Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp; Văn hóa Sài Gòn - TPHCM; Đấu tranh cách mạng (1930 - 1954); Đấu tranh Cách mạng (1954 - 1975); Kỷ vật kháng chiến; Tiền Việt Nam.
|