Giá cả thị trường trở lại ổn định ngay sau Tết

21/02/2018 - 17:50
Tháng 2, dù là tháng Tết và lễ hội, đã không xảy ra tình trạng giá tăng đột biến ở hầu hết các nhóm hàng hóa. Ngay từ 4, 5 Tết, giá cả thị trường đã ổn định trở lại.

Đánh giá của Bộ Tài chính về tình hình giá cả dịp Tết, sức mua trên thị trường đã tăng từ 12%-15% so với ngày thường, tăng 10% so với Tết Đinh Dậu 2017. Theo quy luật, khi sức mua tăng thường kéo theo giá cả tăng. Đặc biệt trong thời gian cận Tết và sau Tết, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, có những thời điểm hàng hóa thiết yếu, nhất là thực phẩm trở nên khan hiếm, thường kéo theo tình trạng giá cả tăng đột biến.

2.jpg
Sức mua trong tháng giáp Tết tăng mạnh so với vài năm trước

 

Cụ thể, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng nhẹ từ sau ngày 15 tháng chạp và tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp từ 25 - 30% so với ngày thường (Tết ông Công ông Táo) và sức mua tiếp tục tăng mạnh trong những ngày cận Tết từ 28 - 29 tháng Chạp do năm nay thời gian nghỉ tết ngắn (người lao động chỉ được nghỉ 7 ngày Tết). Nhu cầu mua sắm của người dân trong thời điểm này tập trung chủ yếu ở các mặt hàng phục vụ thăm hỏi, chúc Tết, cúng Tết như bia, rượu, nước giải khát, ngũ quả, thực phẩm tươi sống, đồ cúng... 

Để ổn định thị trường, Bộ Tài chính đã và sẽ phối hợp với các bộ ngành theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô). Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết.

1.jpg
Giá cả thị trường cho đến thời điểm hiện nay vẫn khá ổn định, nhiều nhóm hàng hóa giảm hoặc tăng với tốc độ chậm hơn so với Tết năm ngoái

 

Với hàng loạt biện pháp điều tiết giá được Bộ Tài chính áp dụng, giá cả thị trường đã tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2018 tăng 0,51% so với tháng 12/2017, còn sang tháng 2/2018 là tháng Tết Nguyên đán Mậu Tuất, cơ bản giá cả thị trường không có biến động bất thường. Thậm chí, tình hình giá cả còn ổn định hơn Tết năm trước. Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu, phục vụ cúng lễ chỉ tăng vào các ngày cận Tết và đã dần trở lại bình thường vào ngày 4, 5 Tết. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá cơ bản được giữ ổn định; đối với cửa hàng trực thuộc của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, doanh số bán ra tăng cao so bình thường và so cùng kỳ năm ngoái. Một số dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống có mức tăng nhẹ vào các ngày đầu năm.

Có được điều này, một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp, góp phần ổn định giá cả thị trường trong thời gian cao điểm mùa Tết. 

3.jpg
Một số chuyên gia thị trường dự báo giá cả thị trường sẽ duy trì sự ổn định ít nhất đến hết quý 1/2018

 

Đặc biệt, với việc đồng loạt giảm giá xăng dầu từ chiều 21/2, một số chuyên gia thị trường dự báo tình hình ổn định của giá cả thị trường sẽ được duy trì bền vững, ít nhất đến hết quý 1. Được biết, đợt điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất, giá xăng E5 giảm khoảng 330 đồng/lít; dầu diesel giảm 230 đồng/lít; xăng RON 95 giảm tối thiểu 400 đồng/lít. 

Như vậy, sau khi giảm giá, xăng E5 không cao hơn 18.340 đồng/lít; xăng RON 95 có giá 19.980 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 15.716 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 14.560 đồng/lít và dầu mazut không cao hơn 12.528 đồng/kg. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm