Giá cao hơn 50%, thịt lợn siêu thị vẫn hút khách

20/03/2019 - 11:06
Không quay lưng với thịt lợn trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố, nhưng người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn những sản phẩm thịt được bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, dù giá cao hơn tại chợ truyền thống từ 20% đến 50%.
Sáng 20/3/2019, Lai Châu công bố là tỉnh thứ 20 phát hiện có dịch tả lợn châu Phi, đưa số lợn bị tiêu hủy vì dịch bệnh lên tới hàng ngàn con. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố không chỉ gây thiệt hại cho người trực tiếp sản xuất, chăn nuôi mà còn tác động đến những người tiêu dùng, vốn thường sử dụng thịt lợn như một loại thực phẩm chính trong bữa cơm hàng ngày.
 
Giảm giá thịt tại chợ truyền thống
 
Vào mỗi buổi sáng, quầy thịt tại các khu chợ truyền thống của Hà Nội thường khá đông khách. Nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng khách mua thịt lợn ngày càng giảm mạnh, dù giá thịt lợn đang có chiều hướng giảm nhẹ.
 
Tại chợ Ngọc Hà (Hà Nội) giá thịt lợn đang ở mức từ 70.000 đồng đến 100.000đồng/kg, tùy từng loại thịt nạc vai, ba chỉ, thịt thăn, hay sườn. Đây cũng là mức giá chung tại nhiều khu chợ trong khu vực nội thành Hà Nội.
 
thit-heo-3.jpg
Giá thịt heo tại chợ truyền thống có xu hướng giảm nhẹ

 

Chị Nguyễn Thị Mai - chủ một sạp bán thịt lợn cho biết: "Từ khi thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, rồi thông tin thịt lợn bị nhiễm sán gạo gây bệnh cho học sinh mầm non được đăng trên truyền hình và báo chí, số lượng thịt lợn bán ra mỗi ngày chỉ bằng 1/3 so với thời điểm đầu tháng 3/2019”.
 
Dù dịch tả lợn châu Phi và bệnh sán gạo ở lợn không gây nguy hiển cho người khi được đun chín, nấu sôi, nhưng những thông tin liên tiếp về thịt lợn đã gây ảnh hưởng đến tâm lý và xu hướng lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng.
 
Sản phẩm thịt có nguồn gốc đảm bảo lên ngôi
 
 
Chị Lê Thị Vân (phố Đội Nhân, Hà Nội), bán bún mọc dọc mùng ngay tại nhà, nên khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, chị rất lo lắng vì ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. “Khi tìm hiểu thông tin, biết bệnh không lây sang người, tôi vẫn mua thịt lợn để ăn và phục vụ thực khách. Tuy nhiên, thời gian này, tôi thường chọn mua thịt ở những quầy hàng có đóng dấu kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng để chế biến, dù thịt ở đây có cao hơn đôi, ba giá”.
thit-heo.jpg
Thịt heo có nguồn gốc xuất xứ được người tiêu dùng lựa chọn

Không quay lưng với thịt lợn trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố, nhưng người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn những sản phẩm thịt được bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo quản trong điều kiện đảm bảo.

 
Theo tìm hiểu của PNVN, tại hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, thịt lợn đang có giá bán cao hơn tại chợ truyền thống từ 20% đến 50%.
 
Tại hệ thống siêu thị Vinmart, giá thịt dao động từ 119.000 đồng – 150.000 đồng, cao hơn giá tại các chợ từ 10.000 - 40.000 đồng/kg. Tại Big C Thăng Long, thịt lợn có giá từ 90.000 đồng - 100.000 đồng/kg. Tại hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch như Bác Tôm, Sói Biển…, giá thịt trung bình quanh mức 150.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 30% so với chợ truyền thống. Còn tại các cửa hàng thịt lợn sinh học như Orfarm, giá thịt lợn đang dao động từ 289.000 đồng – 359.000 đồng/kg.
 
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Sở đã có văn bản yêu cầu các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các cơ sở kinh doanh thịt lợn phải bán thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm dịch thú y. Riêng hệ thống siêu thị bố trí kinh doanh từng loại sản phẩm, thực phẩm riêng biệt, đảm bảo về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm... theo quy định. 
 
thit-heo-1.jpg
Đây là dịp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về những sản phẩm thịt có nguồn gốc đảm bảo

 

Lựa chọn mua thịt lợn tại siêu thị, chị Phạm Kim Anh (Khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội) cho biết: "Thịt lợn là món ăn quen thuộc trong gia đình nên mình không tẩy chay thịt lợn khi có bệnh dịch, mà chọn mua tại các siêu thị, để yên tâm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ".
 
Chia sẻ với PNVN, theo bà Bùi Bích Liên, Giám đốc Công ty CP Thủy Thiên Nhu, đơn vị sản xuất và phân phối sản phẩm thịt lợn sinh học Orfarm, mặc dù người tiêu dùng đang rất hoang mang về dịch bệnh và chất lượng thực phẩm trôi nổi trên thị trường nhưng thực tế họ vẫn chưa thực sự đầu tư thời gian để tìm hiểu kỹ càng về nguồn gốc thực phẩm dùng cho gia đình hàng ngày. Người tiêu dùng Việt Nam phần lớn vẫn mua bán theo thói quen và sự tin tưởng mơ hồ vào người bán và người giới thiệu. Đây là dịp để người tiêu dùng thay đổi nhận thức và thói quen lựa chọm, sử dụng các thực phẩm đảm bảo. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thịt có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng khẳng định được vị trí của mình đối với người tiêu dùng.
 
Ngay sau khi xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, bệnh này không gây bệnh trên người. Người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh và được chế biến hợp vệ sinh.
 
Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm