pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia đình 4 người may mắn thoát nạn sau vụ cháy chung cư mini ấm lòng với sự hỗ trợ kịp thời
Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, hộ dân sinh sống tại chung cư mini xảy ra hỏa hoạn (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) an toàn sau vụ cháy.
0h43 phút sáng 13/9, tôi nhận được cuộc gọi phân công tới tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy chung cư mini ở số nhà 37, ngách 70, ngõ 29, phố Khương Hạ. Con đường vào ngõ nhỏ hẹp chen kín khoảng 15 chiếc xe cứu hỏa. Đèn báo động nhấp nháy, các chiến sĩ cứu hỏa khẩn trương ra vào hiện trường chữa cháy.
Một số người may mắn thoát được vẫn chưa kịp hoàn hồn ngồi vạ vật ở vỉa hè. Xung quanh các ngách, người dân đứng hóng tin, cập nhật tình hình. Thỉnh thoảng, các chiến sĩ cứu hỏa, lực lượng y tế, an ninh trật tự, đội hỗ trợ sơ cứu lại cáng ra một vài nạn nhân. Xe cấp cứu đã đợi sẵn ở đầu ngách 78, ngõ 29 phố Khương Hạ, tiếp nhận nạn nhân từ lực lượng cứu hộ rồi tức tốc lên đường. Một chiếc xe khác lại vào thế chỗ, cửa sau mở toang, sát đó là xe đẩy cáng cứu thương.
Lúc đó, sâu bên trong hiện trường, anh Nguyễn Văn Thắng, hộ dân sinh sống tại tầng 2 chung cư xảy ra cháy, đang hỗ trợ lực lượng chức năng dập tắt đám cháy, cứu hộ các nạn nhân. Với nỗ lực của mình, anh đã cùng cứu được một cháu gái ở gần căn hộ của gia đình, rồi hỗ trợ các lực lượng chức năng cho tới sáng.
Thời điểm vụ cháy xảy ra vào khoảng 23h đêm 12/9, anh Nguyễn Văn Thắng cùng vợ là chị Ngô Thị Kim Huệ (SN 1986, quê quán huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và cháu thứ 2 là N.N.M.D (8 tuổi) đang ở cửa hàng của gia đình ở ngõ 509 Vũ Tông Phan, cách nơi vụ cháy xảy ra khoảng 200m.
Cháu Nguyễn Ngô Hiền Minh (10 tuổi), con lớn của anh chị, đang ở căn hộ của gia đình ở tầng 2. Nghe tiếng tri hô của mọi người dưới nhà, thấy tầng để xe khói bắt đầu bốc lên, cháu đã bình tĩnh dập cầu dao, tắt máy tính, men theo cầu thang bộ chạy xuống tầng 1. Lửa đang bén mạnh từ xe này sang xe khác, cháu đã thoát khỏi tòa nhà an toàn trong tích tắc đó.
Nếu chỉ chậm vài nhịp thôi, có lẽ cháu Minh đã không tranh thủ được những giây vàng quý báu đó để thoát hiểm. Vừa chạy khỏi tòa nhà, cháu đã tri hô, thông báo cho những người dân gần đó biết để hỗ trợ các nạn nhân và chạy thẳng một mạch ra cửa hàng của bố mẹ báo tin. Nhìn thấy con trai lớn thở hổn hển, giọng nói gấp gáp "Cháy rồi, bố ơi!", anh Thắng vẫn chưa tin lời cậu con trai 10 tuổi. Anh tưởng rằng cháy nhà hàng xóm.
Cả hai vợ chồng chạy như bay về thì thấy lửa đã bốc cao, khói trùm kín cả tòa nhà. Gần như toàn bộ tài sản của gia đình anh, quần áo, cùng sách vở của các con đã bị thiêu sạch. Trở về cửa hàng khi lửa đã được dập tắt, các nạn nhân bị thương đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu, thi thể các nạn tử vong đã được đưa ra ngoài, anh Thắng vẫn chưa thể nào tin được hậu quả vụ cháy lại lớn đến thế.
Có những hộ 7 người trong 1 gia đình tử vong, có hộ gia đình 4 người nhưng chỉ có một mình con nhỏ sống sót. Một trường học có tới 6 học sinh tử vong trong vụ cháy. Nhìn con trai lớn, anh Thắng bất giác hỏi: "Làm sao con biết xử trí như thế để thoát khỏi đám cháy an toàn?".
Người lớn vào tình huống như vậy có khi còn luống cuống, mất bình tĩnh, huống chi là một đứa trẻ. Cháu có thể gọi điện cho bố về cứu hoặc gọi điện nhờ bố hướng dẫn cách thoát hiểm, hoặc cố thủ trong phòng chờ người lớn và lực lượng chức năng đến cứu, hoặc di chuyển lên tầng tum của tòa nhà.
Trả lời cho vấn đề này, chuyên gia Tony Coffey, Hiệp hội Cứu hộ Sydney (Australia), với hơn 20 năm kinh nghiệm cứu hộ, chia sẻ có những bước quan trọng để sống sót nếu mắc kẹt trong một đám cháy: Một, bình tĩnh tìm ngọn lửa, nơi bùng phát khói; Hai, nhanh chóng xác định lối thoát hiểm; Ba, ngọn lửa không phải là vấn đề chính - mà là khói; Bốn, luôn kiểm tra nhiệt độ cánh cửa trước khi mở…
Như vậy nếu theo lời kể của cháu Minh, cháu đã áp dụng nhuần nhuyễn những kỹ năng thoát hiểm trên. Khi được bố hỏi, cháu chia sẻ đã được cô giáo ở trên trường dạy, hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ. Nhờ những kỹ năng đó, cháu đã thoát hiểm an toàn. Từ đó cho thấy, vai trò quan trọng của việc chủ động phòng chống cháy nổ, cũng như chủ động trang bị, giáo dục các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ.
Anh Thắng đi nhận hỗ trợ trong sự ấm áp tình người của bà con khu dân cư số 8, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
2 ngày sau khi vụ cháy được khống chế, tôi tình cờ gặp anh Thắng tại Nhà văn hóa khu dân cư số 8 (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), cách địa điểm vụ cháy hơn 300m. Anh Thắng không còn bộ quần áo nào để thay, một bộ sách lớp 5 của cháu lớn cũng đang thiếu nên đến đây để xin hỗ trợ. Biết anh Thắng là người trong cuộc, nhiều hộ dân có mặt chăm chú lắng nghe những lời anh thuật lại. Ai cũng niềm nở, giúp đỡ gia đình anh, một hội viên phụ nữ đưa áo, một hội viên phụ nữ khác đưa quần, một hội viên khác đưa vở, bút viết.
Anh Thắng vừa ra ngoài cửa, một hộ dân khác mang thêm thùng mỳ tôm hỗ trợ. Thời điểm đó, gia đình anh Thắng được một hộ dân gần nơi xảy ra đám cháy hỗ trợ nơi ở, tạo điều kiện cho gia đình anh ổn định cuộc sống, các cháu có không gian học tập, vì cửa hàng nơi anh đang kinh doanh rất chật chội.
Tối hôm sau trở lại nhà văn hóa ấy, tôi gặp gỡ được cả gia đình anh Thắng, mọi người đang chuyển hành lý gửi nhờ tại khu dân cư. Cháu Minh khi đó tâm lý đã ổn, bình tĩnh thuật lại tình huống thoát hiểm mấy hôm trước. Cháu D., học sinh lớp 3, đang khoác chiếc ba lô vừa mới được tặng. Chị Huệ, vợ anh Minh, cùng quê với tôi, nên câu chuyện giữa hai bên lại càng thêm cởi mở.
4 người trong gia đình anh Thắng - chị Huệ may mắn an toàn sau vụ hỏa hoạn
Chị có cửa hàng kinh doanh thiết bị máy tính ở ngõ 509 Vũ Tông Phan, còn anh Minh vốn là quân nhân, quê quán ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Xe máy của chị bị lửa thiêu trong đám cháy, nên được người dân cho mượn chiếc xe máy khác để di chuyển.
Hai cháu giờ đây đã trở lại trường lớp học tập bình thường. Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ vẫn luôn hiện diện trên gương mặt các cháu.