Đến nay, nhiều người dân Châu Phi vẫn tin vào lời đồn đại xung quanh căn bệnh bạch tạng rằng các bộ phận cơ thể của người bạch tạng có thể mang lại may mắn hay chữa bệnh.
Mới đây, nhân Tháng nhận thức về bệnh bạch tạng ở Nam Phi được tổ chức nhằm xóa bỏ những lời đồn và dập tắt thành kiến ăn sâu trong tiềm thức của người châu Phi về người bạch tạng, một gia đình mà tất cả thành viên đều mắc bạch tạng ở Nam Phi đã tiết lộ những góc khuất trong cuộc sống của họ.
Trước một loạt những vụ giết người bạch tạng khủng khiếp, gia đình anh Tyongose luôn sống trong sợ hãi.
Anh Tyongose sống với vợ là chị Nokwanda (35 tuổi) và ba đứa con là Abongile (15 tuổi), Siphosethu (9 tuổi) và Linamandla (7 tuổi) trong một thị trấn.
Vì cả nhà đều mắc bệnh bạch tạng nên gia đình anh Tyongose luôn bị phân biệt đối xử. Anh tin rằng “chính phủ cần phải hành động nhiều hơn” sau một loạt các vụ tấn công khủng khiếp nhằm vào người bạch tạng. Điển hình như đầu năm nay, một em bé 15 tháng tuổi và một bé gái 13 tuổi đã bị bắt cóc và sát hại dã man bởi những người tìm cách chữa bệnh ở miền đông nam tỉnh Mpumalanga, Nam Phi.
Anh Tyongose cũng đau xót chia sẻ: “Nếu một đứa trẻ bạch tạng ra đời, sẽ không có bất cứ ai đưa ra lời khuyên cho mẹ và bé phải làm những gì. Điều duy nhất, người đỡ đẻ hỏi chỉ là” “Trong gia đình còn có ai trông giống như vậy không?”.
Nhà từ thiện Ntando Gweleza, một người cũng mắc bạch tạng, nói: “Bạch tạng không phải là một lời nguyền. Một số người thường khạc nhổ khinh bỉ khi nhìn thấy người bạch tạng chúng tôi. Khi tôi đi phỏng vấn xin việc, tôi đã bị hỏi 3 lần ngay sau khi tôi bước vào phòng phỏng vấn rằng, CV đã gửi có phải là của tôi hay không. Chúng tôi cũng là người và chúng ta cũng được tạo ra bởi Thượng Đế”.