Gia đình căng thẳng vì ngôi nhà… siêu sạch

Tây Anh
26/12/2024 - 11:09
Gia đình căng thẳng vì ngôi nhà… siêu sạch

Ảnh minh họa

Chị Đoàn Thị Phương (46 tuổi, ở Hà Nội) nổi tiếng là người sạch sẽ, tỉ mỉ. Tuy nhiên, đằng sau sự gọn gàng ấy là áp lực vô hình khiến các thành viên trong gia đình chị không khỏi ngột ngạt.

Bước vào ngôi nhà của chị Phương, ai cũng phải trầm trồ vì mọi đồ đạc, vật dụng trong nhà đều được xếp chính xác, lau dọn sạch bóng. Từ những chiếc cốc uống nước úp ngay ngắn theo hàng đến khăn lau bàn, khăn lau bếp được gấp vuông vắn. 

Chiếc bàn kính không một vết bụi, sàn nhà bóng loáng tưởng như có thể soi gương được. Mỗi ngày, chị Phương dành tất cả thời gian có thể chỉ để lau dọn nhà cửa. Buổi sáng, chị bắt đầu bằng việc lau toàn bộ sàn nhà bằng nước lau nhà diệt khuẩn, dù sàn vẫn sáng bóng từ ngày hôm trước. 

Rèm cửa phải được giặt thường xuyên dù chưa có dấu hiệu bụi bẩn. Mỗi lần nhận hàng từ shipper, chị cẩn thận xịt khử khuẩn từng gói đồ trước khi mang vào nhà. Đối với đồ ăn, chị tuân thủ một "quy trình" nghiêm ngặt. Rau xanh mua về phải được rửa qua nước sạch 5 lần rồi ngâm nước muối trong 30 phút.

Với chị, việc đảm bảo không gian sống sạch sẽ là trách nhiệm, là cách chị giữ gìn sức khoẻ cho cả gia đình. Thế nhưng, chồng và con chị Phương lại cảm thấy ngột ngạt trước cách làm thái quá của chị. 

Chồng chị từng kể với hàng xóm rằng, chị Phương kiểm tra từng đôi giày trước khi anh bước vào nhà. Con trai chị không dám ngồi sofa nếu đi học về chưa thay quần áo, tất, mũ. Các thành viên trong gia đình chị thường đùa rằng, về nhà giống như "bước qua cửa an ninh sân bay".

Trong thế giới "siêu sạch" của chị Phương mọi thứ đều trở thành "không an toàn". Một vết bẩn trên bàn là lý do chị phải lau lại cả cái bàn. Ngay cả những cánh cửa dù người giúp việc theo giờ đã lau, chị vẫn lau lại cho cẩn thận. 

Chính điều này làm những thành viên còn lại trong gia đình dần cảm thấy xa cách, vì lúc nào họ cũng bị chị nhắc nhở hoặc phàn nàn. Hiểu rằng chị Phương làm vậy vì muốn tốt cho gia đình nhưng mọi thứ đi quá xa. 

Có lần bạn của con đến nhà chơi, chị cứ thỉnh thoảng lại ra lau chỗ nọ, quét chỗ kia trong phòng khách, khi bạn của con vừa mới cởi giày, chị Phương đã quét ngay vết giày đi. Điều này khiến con ngại ngùng, không mấy khi dám mời bạn về nhà chơi.

Sau thời gian dài duy trì thói quen sạch sẽ thái quá, chị Phương bắt đầu cảm nhận được những "vết nứt" trong mối quan hệ gia đình. Lời phàn nàn của chồng, ánh mắt thiếu hợp tác của hai con, thậm chí cả những lần người giúp việc mệt vì phải làm đi làm lại một thứ. 

Ban đầu, chị cảm thấy rất khó khăn khi phải thay đổi. Sợ rằng nếu mình không tự tay làm mọi thứ, mọi người sẽ không làm đúng cách, căn nhà sẽ rơi vào cảnh lộn xộn. Nhưng dần dần, chị Phương học được rằng không phải lúc nào mọi thứ cũng cần hoàn hảo. Đôi khi, chính sự thiếu hoàn hảo lại làm cuộc sống dễ chịu hơn.

Chồng chị bày tỏ, anh không mong chị thay đổi hoàn toàn, chỉ cần chị thoải mái hơn với chính mình và mọi người. 

Ở tuổi trung niên, thay vì cố gắng kiểm soát mọi thứ, chị Phương học cách tận hưởng những điều bình dị, lắng nghe cảm xúc của chính mình và những người thân yêu. Bởi sau tất cả, hạnh phúc không đến từ sự hoàn hảo, mà đến từ sự thấu hiểu và chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm