pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ trung niên không dao động vì thái độ của người khác
Chị Chử Thọ Minh Tuyết
Trong cuốn sách "Thêm tuổi thêm duyên" (đồng tác giả: nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ và trẻ em - người mẫu quốc tế Caroline de Maigret và nhà sản xuất phim Sophie Mas), người viết chỉ ra rằng, 40 là độ tuổi tâm điểm của khủng hoảng tuổi trung niên.
Thế nhưng tác giả cũng nhấn mạnh, khủng hoảng tuổi trung niên có thể là một khoảnh khắc tuyệt vời để ta có thể gác lại mọi thứ sau khi đã nỗ lực giành được để tập trung vào nhu cầu của riêng mình, vào cảm giác tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết.
"Những cảm xúc trái ngược ấy, đan xen giữa niềm vui và nỗi sợ hãi, rồi sẽ trở thành dĩ vãng và cuộc khủng hoảng này thực chất là một trạng thái thoáng qua". Điều này cho thấy, phụ nữ bước vào tuổi trung niên, nếu biết cách điều phối cảm xúc, làm chủ cuộc sống, tâm lý của mình thì đó lại là giai đoạn rất tuyệt vời, chín muồi về mọi thứ.
Chia sẻ về cuộc sống của phụ nữ tuổi trung niên, chị Chử Thọ Minh Tuyết (ở Hà Nội) cho rằng, nếu cuộc đời mỗi người là một cây cầu thì khi phụ nữ bước vào tuổi 40, coi như đã đi qua nửa đầu của cây cầu cuộc đời. Nửa cây cầu cuộc đời còn lại, có thể dài hơn mà cũng có thể ngắn hơn rất nhiều nửa ta đã đi qua.
"Cuộc sống là sự vận động không ngừng nghỉ. Thế nên, nếu khuyên nhau đừng buồn đau, lo nghĩ, vô tư mà sống e là chưa thấu đáo. Đành rằng, không ai biết trước ngày mai thế nào, nhiều khi, con người vừa cười nói rạng rỡ đấy mà chỉ ngay sau đó, rất có thể đã chẳng còn tồn tại trên thế giới này. Nhưng cho dù là như thế, thì mỗi giờ trôi qua, mỗi ngày mới đến, chúng ta vẫn phải lao động, kiếm tiền để duy trì cuộc sống, chăm lo cho gia đình, bản thân", chị Tuyết bày tỏ.
Quả thực, bước vào tứ tuần, tuổi tác, sức khoẻ của con người cũng như đang "lao dốc". Vì thế, nếu chúng ta không quan tâm, lắng nghe những thay đổi của cơ thể để có cách chăm sóc, bồi dưỡng thể chất, tinh thần bản thân thì sức khoẻ của chúng ta sẽ chẳng khác nào chiếc xe đổ dốc mà đứt phanh, mất lái.
"Chúng ta chỉ có thể ung dung, tự tại với cuộc sống khi chúng ta ở tâm thế chủ động. Chỉ có bạn mới biết cơ thể bạn như thế nào, chỉ có bản thân ta mới biết ta đang cần gì, thiếu gì, đối diện với khó khăn, thuận lợi ra sao. Người khác nhìn vào ta, họ chị thấy bề ngoài chứ làm sao thấu được ý nghĩa của ta.
Cuộc sống của chúng ta, sướng vui, đau khổ chúng ta phải gánh chứ nào có ai thay ta làm việc ấy. Nếu như vậy thì sao bạn không sống cho mình, vì mình mà lại bị dao động, suy nghĩ trước thái độ của người khác? Nếu bạn chăm chăm nhìn vào thái độ của người khác để sống thì bạn sẽ không còn là mình nữa", chị Tuyết nêu quan điểm.
Các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra rằng, tuổi trung niên là giai đoạn bấp bênh về cảm xúc nên nếu ta không để ý để có sự chủ động thích nghi, thay đổi thì dễ dẫn đến trầm cảm khi phải đối diện với những lo lắng kéo dài.
"Chúng ta đang ở trong hành trình già đi, đông lên về số tuổi chứ không hề già đi về tâm hồn. Trái tim tuổi nào chẳng đập chừng ấy nhịp trên phút", chị Tuyết bày tỏ, "Thế nên, điều quan trọng nhất của chúng ta là đừng mải lo lắng về những cái hiển nhiên (thay đổi về tuổi tác, ngoại hình) mà hãy giữ cho tâm hồn luôn tươi trẻ.
Nếu tình yêu của lứa tuổi đôi mươi cuồng nhiệt bao nhiêu thì tình yêu tuổi trung niên lại sâu lắng bấy nhiêu. Với tôi, 20, 40, 60 hay 80 tuổi thì sự rung động và cảm xúc của trái tim trước tình yêu vẫn ngọt ngào như nhau.
Đôi khi, bạn cứ trăn trở vì những đánh giá của người bên ngoài về mình mà không dám sống thật với sở nguyện bản thân. Điều ấy chỉ khiến bạn trở nên ấu trĩ, bế tắc mà thôi. Vì thế, ở độ tuổi quá nửa đời người, đừng quan tâm người khác nghĩ gì về mình mà hãy sống thật hạnh phúc, sống là chính mình".