Phụ nữ trung niên đóng lại 4 “cánh cửa” mang nguồn năng lượng xấu

Tuệ Lâm
02/03/2024 - 10:56
Phụ nữ trung niên đóng lại 4 “cánh cửa” mang nguồn năng lượng xấu

Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Chị Đỗ Thị Bích Thuận (ngụ quận 12, TPHCM) chia sẻ, khi càng có tuổi, nhiều người có xu hướng hướng nội, thiên về triết lý sống nhẹ nhàng, bình an hơn là tham vọng. Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Thuận cho rằng, bước vào độ tuổi trung niên, để giữ cho tâm hồn luôn nhẹ nhàng, có 4 “cánh cửa” chúng ta cần đóng lại, đó là: sự tự ti - dĩ vãng sai lầm - hận thù - lòng tham.

Từ bỏ sự tự ti

"Sự từng trải rèn cho chúng ta bản lĩnh, mạnh mẽ. Có nhiều người tự tin trong công việc nhưng khi hoà mình vào đời sống xã hội, không phải ai cũng từ bỏ được sự tự ti. Tự ti là một trong những tính cách làm hạn chế sự phát triển của bản thân, khiến chúng ta bước lùi, suy nghĩ tiêu cực. Vì tự ti mà ta cứ luẩn quẩn trong vòng tròn cô đơn của bản thân, không dám bước ra ngoài để hoà nhập vào thế giới xung quanh. Sự tự ti sẽ làm chúng ta đánh mất cơ hội tốt của chính mình", chị Thuận phân tích.

Thực tế, ở tuổi trung niên, sau nhiều năm dành hết thời gian cho công việc, gia đình, nhiều người ít có cơ hội để mở rộng các mối quan hệ xã hội, bạn bè. Vì vậy, với những người tự tin, sống hướng ngoại, dễ hoà đồng sẽ có nhiều cách để làm phong phú thêm các mối quan hệ xã hội (như tham gia các câu lạc bộ, hội, nhóm có chung sở thích, đam mê). Còn với những người tự ti, họ sẽ đóng lại những cơ hội giao lưu với thế giới bên ngoài, khiến cuộc sống của mình trở nên tẻ nhạt, nhàm chán.

Không "ăn mày dĩ vãng"

Chúng ta vẫn nói, phải có quá khứ mới có hiện tại và tương lai; rằng quá khứ là một phần của hiện tại, vậy tại sao phải quên đi quá khứ? Với chị Thuận, khi con người nghĩ quá nhiều về quá khứ sẽ quên mất phải vận động, nỗ lực bồi đắp cho hiện tại. Con người ai cũng có quá khứ, có thể là quá khứ hào quang nhưng cũng có thể là quá khứ sai lầm. Song, tất cả những gì đã qua, dù là thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, đều đã là thì quá khứ. Nếu ta cứ "ăn mày dĩ vãng" thì sẽ chẳng làm được gì ý nghĩa trong hiện tại để hướng về tương lai. "Thế nên, tốt hơn hết, đừng để quá khứ làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Nếu có nhớ về quá khứ thì cũng chỉ nên thoáng qua như một cơn gió rồi khép lại miền kí ức để tập trung cho những điều tốt đẹp của hiện tại", chị Thuận nhấn mạnh.

Nói "không" với hận thù

Trong cuộc sống, không tránh khỏi việc ta có cảm tình với người này nhưng mâu thuẫn, xung đột với người kia. Thậm chí, ngay cả người thân, bạn bè chí cốt còn có lúc làm tổn thương nhau. Chúng ta là con người, có trái tim biết yêu, biết ghét, biết giận, biết hờn. Nếu ta cứ chất chứa, giữ mãi trong lòng nỗi oán hận một ai đó thì người chịu thiệt thòi nhất chính là ta. Ta còn để niềm hận thù trong lòng là ta đang tích luỹ những suy nghĩ không tích cực, có thể làm tổn hại cả tâm hồn và thể xác ta. Vậy nên, thay vì hận thù, đẩy những mâu thuẫn lên đến cao trào, hãy cố gắng kiến tạo các mối quan hệ tốt, vui vẻ. Khi chúng ta có những mối quan hệ lành mạnh và môi trường tốt, bản thân ta sẽ thu nạp được nhiều năng lượng tích cực, mang lại sự hoan hỉ cho cuộc sống.

Buông bỏ lòng tham

Sau nhiều năm bươn chải vì công danh sự nghiệp, "cơm áo gạo tiền", giờ bước vào tuổi trung niên, nhiều người nhận ra rằng, "tiền nhiều hay ít không quan trọng bằng có sức khoẻ"; "nhà to hay nhỏ, ta cũng chỉ cần một cái giường để đỡ tấm lưng mệt nhoài"; "giường dát vàng hay chỉ là tấm ván liếp cũng chỉ ước một giấc ngủ ngon"… Thế nên, lòng tham, đố kỵ chẳng thể mang đến cho ta hạnh phúc. Thay vào đó, chúng ta lựa chọn một cuộc sống giản đơn, yêu đời; thảnh thơi trong tâm trí, lạc quan trong suy nghĩ; bao dung và yêu thương con người, mở lòng cùng vạn vật xung quanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm