pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chồng tôn trọng nhau để không giận dỗi quá lâu
Ảnh minh họa
Đã lên chức bà nội, bà ngoại, trải qua 30 năm làm dâu, làm vợ, 29 năm làm mẹ, 6 năm làm bà, mọi cung bậc hỉ nộ ái ố, sóng gió, khó khăn trong cuộc đời và gia đình, bà Tạ Thị Hiếu (Tứ Liên, Q.Tây Hồ, Hà Nội) nhận mình "chẳng có gì là chưa kinh qua, nếm trải".
Bà Hiếu bảo, vợ chồng khúc mắc, giận dỗi, bất đồng quan điểm, mâu thuẫn trong cuộc sống là điều hết sức bình thường.
Song, quan trọng nhất để giữ được hạnh phúc bền lâu là phải biết biến chuyện to thành nhỏ, chuyện lớn thành bé, hóa giải mâu thuẫn thành cơ hội tìm tiếng nói chung.
Bà Hiếu kinh doanh buôn bán, còn chồng làm nghề giáo. Nếu chỉ nhìn vào nghề nghiệp để đánh giá, nhiều người chắc sẽ nghĩ, chồng bà Hiếu là dân trí thức nên điềm đạm, tinh tế, đối nhân xử thế mẫu mực; còn bà Hiếu là dân kinh doanh nên bỗ bã, "chợ búa", "chém to kho mặn". Cũng vì sự "lệch pha nghề nghiệp" mà từng có đận, hạnh phúc của ông bà lung lay.
"Tôi chỉ học hết cấp 3 rồi theo nghiệp gia đình kinh doanh, buôn bán. Cả bố mẹ tôi đều là dân kinh doanh nhưng không bao giờ văng tục chửi bậy, cãi nhau trước mặt con. Điều bố mẹ tôi rất kỵ là "vạch áo cho người xem lưng" và "vợ chồng cá mè một lứa".
Bà hơn ông 2 tuổi, hồi có con, ông bà không xưng hô anh - em như bình thường mà gọi nhau là "bố em", "mẹ em". Kể cả lúc giận nhau, không bao giờ bố tôi gọi mẹ tôi là "cô" mà vẫn xưng hô "mẹ em" - "tôi" . Mỗi lần nghe mẹ tôi nói "bố em giúp em việc này với", "nay bố em về sớm đón con giúp em nhé", chúng tôi cảm nhận như có bao nhiêu yêu thương, ngọt ngào trong đó.
Có lần tôi hỏi bà, sao nhiều lúc bố vô lý, áp đặt thế mà mẹ vẫn nhẹ nhàng, xưng hô ngọt ngào với bố được? Mẹ tôi bảo, đó là sự tôn trọng vợ chồng. Nếu vợ chồng, anh chị em trong nhà cứ hễ giận nhau là xưng hô cộc lốc, mày tao chi tớ, văng cùi giẻ rách thì sẽ mất dần sự tôn trọng nhau, lâu ngày trở thành thói quen xấu. Và tôi cứ ngấm mãi những điều ấy từ mẹ mình", bà Hiếu kể.
Theo chia sẻ của bà Hiếu, hồi vợ chồng bà tìm hiểu nhau, ông rất thích không khí trong gia đình của bà. Sau này ông thú nhận với bà: "Chỉ cần nhìn cách bố mẹ em đối xử với nhau, cách người trong nhà em quan tâm, yêu thương nhau là anh tin, anh chọn đúng người để lấy làm vợ".
Khi ông bà đã nên vợ nên chồng, có con rồi, vẫn có rất nhiều người lời ra tiếng vào chê bà "dân chợ búa" không xứng với ông nhìn thư sinh, là giảng viên của một trường cao đẳng. Hồi ấy, còn trẻ nên bồng bột, do tổn thương nên bà Hiếu hờn dỗi, nằng nặc đòi… bỏ về nhà mẹ.
Chồng bà thì ấm ức chỉ vì chuyện thiên hạ thêu dệt mà vợ làm mình làm mẩy nên cũng chẳng thèm thanh minh hay giảng hòa với vợ.
"Chúng tôi không cãi nhau nhưng "chiến tranh lạnh" cả tháng trời. Trong gia đình bên chồng, họ hàng khi biết chuyện vợ chồng tôi giận nhau, không phải ai cũng nói vun vào mà thậm chí, có người còn chọc ngoáy, bảo chẳng ở với vợ này thì lấy vợ khác, thiếu gì đàn bà con gái trên đời. Thế là chuyện bé thành lớn, khi chuyện riêng của hai vợ chồng có sự tham gia của nhiều người khác trở nên phức tạp. Bận ấy, suýt nữa thì vợ chồng tôi bỏ nhau", bà Hiếu nhớ lại.
Cũng may, sau lần ấy, bà Hiếu được mẹ gọi về thủ thỉ phân tích đúng sai, khuyên nhủ điều hay lẽ phải. Và rồi, chính bà Hiếu là người chủ động chia sẻ, tâm sự với chồng hết những ẩn ức, băn khoăn của mình.
Bà hứa từ nay về sau không bao giờ vì lời đồn của thiên hạ mà làm ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng. Sóng gió qua đi, hai ông bà cùng rút kinh nghiệm và thống nhất các nguyên tắc chung:
Tương kính như tân, trước sau như một, nói năng văn hóa, ứng xử văn minh; ấm ức phải chia sẻ, giận hờn không được lặng im; vợ chồng tôn trọng, bình đẳng, không hơn thua, được mất với nhau; gia đình là ưu tiên số 1. Bà Hiếu bảo "nhờ những cam kết dông dài ấy mà vợ chồng chúng tôi luôn hạnh phúc, vui vẻ, chẳng bao giờ giận dỗi nhau lâu".