2 tuần tuổi bắt đầu theo bố mẹ vòng quanh thế giới
Diệp Nguyễn từng du học ở Thụy Điển và chính đất nước xinh đẹp này lại xe duyên cho cô gặp chồng. Diệp tâm sự: “Trước và trong quá trình du học, mình chưa từng nghĩ sẽ có ngày ở lại Thuỵ Điển hay lập nghiệp xa xứ. Nhưng cái duyên đưa đẩy... khiến mọi việc diễn biến không như mình nghĩ”.
Ông xã của Diệp sang Thụy Điển học thạc sĩ rồi được một công ty tư vấn về giải pháp công nghệ ở đây nhận vào làm việc. Chính ông xã đã thuyết phục Diệp ở lại, cùng anh xây dựng cuộc sống mới với một lý do rất buồn cười là: “Khi nào đi hết châu Âu mình về Việt Nam cũng chưa muộn”. Vốn thích du lịch nên Diệp “đành” nhận lời, cũng may là cho đến giờ thì cô vẫn chưa phải hối tiếc gì về quyết định ấy.
Trước khi gặp ông xã, Diệp kể, cô cũng thích du lịch - nhưng mới chỉ là “thích” thôi chứ chưa biến thành đam mê như bây giờ. “Trước đây, mình khá nhút nhát, du lịch cũng chỉ dừng lại ở việc đi theo tour chứ chưa bao giờ tự lên kế hoạch hoàn chỉnh, tự tìm tòi, tự đi”. Trong khi đó, ông xã của Diệp từng là dân đi bụi và trekking có tiếng trên một diễn đàn dành cho dân phượt. Yêu rồi cưới một phượt thủ chuyên nghiệp nên Diệp cũng bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường xê dịch.
Cho đến giờ, việc lên lịch trình du lịch, đặt vé, đặt phòng khách sạn cho một chuyến đi đã trở thành phần không thể thiếu của gia đình Diệp. Trước và sau khi có con, tần suất du lịch của gia đình Diệp không thay đổi, có chăng là sự lựa chọn điểm đến khác biệt một chút so với thời sinh viên đi bụi mà thôi.
Đó là lý do, em bé của vợ chồng Diệp được ra ngoài từ khá sớm. Vì bé Tí Tũn sinh vào cuối mùa xuân, thời tiết rất đẹp nên khi bé tròn 3 ngày tuổi là Diệp đã bắt đầu cho bé ra ngoài sưởi nắng, đi dạo xung quanh. Từ tuần tuổi thứ 2 bé được theo bố mẹ lên xe buýt, tàu điện đi quanh thành phố.
Cho đến khi tròn 3 tháng tuổi, bé chính thức có chuyến du lịch bằng tàu biển đầu tiên từ Stockholm sang Tallinn - thủ đô của Estonia, chuyến đi dài 3 ngày 2 đêm. Tròn 6 tháng tuổi, bé tiếp tục chuyến đi thứ 2 vòng quanh nước Áo trong 8 ngày, đó cũng là lần đầu tiên bé được đi máy bay.
Du lịch giúp giải toả căng thẳng
Diệp kể, chuyến đi đầu tiên nào cũng sẽ có đôi chút khó khăn vì bố mẹ còn lúng túng trong việc chuẩn bị hành lý cho con và lựa chọn điểm đến bởi sự an toàn cho con là vấn đề quan trọng nhất đối với mình. Trước đây du lịch tiết kiệm kiểu sinh viên thì Diệp và ông xã thường chọn các hãng hàng không giá rẻ - nhiều khi chuyến bay khởi hành từ 2-3 giờ sáng.
Trong quá trình đi phượt cũng chỉ cần ở khách sạn - xa trung tâm một chút nhưng rẻ và vui là được. Tuy nhiên, khi có con rồi, hai vợ chồng chọn những hãng bay phù hợp hơn với gia đình, các điểm đến cũng thân thiện và thích hợp với trẻ nhỏ hơn. Như những chuyến đi dài hơn 1 tháng ở Thái Lan, Đài Loan và Nhật Bản, vợ chồng Diệp lên kế hoạch trước nửa năm.
Còn những chuyến đi quanh châu Âu thì tùy điểm đến mà vợ chồng Diệp lên kế hoạch trải nghiệm cho con phù hợp. Thí dụ, muốn đi Hà Lan đúng mùa hoa tulip, thì phải đặt vé máy bay và khách sạn trước hơn 6 tháng; còn một số nơi không quá đông khách du lịch như Croatia, Montenegro thì mình chỉ lên kế hoạch trước khoảng 1 tháng.
Đó cũng có thể là chuyến dã ngoại cuối tuần, vợ chồng tự lái xe về một số thành phố phía Nam Thuỵ Điển hoặc đi thăm các nước láng giềng như Đan Mạch, Na-Uy hay một thành phố nhỏ nào đó ở miền bắc nước Ý mà vợ chồng đi bao nhiêu lần cũng không thấy chán.
Với vợ chồng Diệp, du lịch như một liệu pháp giúp giải toả căng thẳng trong công việc và làm phong phú thêm đời sống gia đình. Điều này đơn giản chỉ xuất phát từ việc cả nhà có nhiều thời gian chất lượng hơn dành cho nhau, cùng trò chuyện, cùng thưởng thức món ăn mới thay vì chú tâm vào tivi, ipad, điện thoại hay những thứ đồ công nghệ cao.
Nhờ những lần lạc đường trong rừng hay những lần gặp bất trắc dọc đường du lịch, vợ chồng lại học được cách cảm thông và cùng động viên nhau nỗ lực, lạc quan trong mọi hoàn cảnh thay vì đổ lỗi, phán xét lẫn nhau.
Bé Tí Tũn vốn là một em bé nhút nhát, ngại giao tiếp, sợ các trò cảm giác mạnh nhưng nhờ được tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau, nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, được kết bạn với người dân địa phương nên bé đã trở nên cởi mở và bạo dạn hơn trước rất nhiều.
Khả năng xử lý tình huống của bé cũng khá tốt. Diệp tâm sự: Bé có thể biết viết chậm hơn các bạn, có thể chưa biết cộng trừ nhanh nhưng bé lại nhớ được khá tốt vị trí trên bản đồ thế giới cũng như một số đặc điểm cơ bản của các nước từng đi qua. Bé có xu hướng đặt câu hỏi nhiều hơn và cũng chịu khó đọc sách nhiều hơn.
Vợ chồng Diệp cũng cố gắng khoảng 1 năm rưỡi cho con về Việt Nam thăm ông bà và gia đình một lần để không quên nguồn cội, không quên truyền thống văn hoá và tiếng Việt. Đó là lý do vì sao nhiều người khi gặp bé Tí Tũn khá ngạc nhiên vì một em bé sinh ra ở nước ngoài lại có thể sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Việt (thậm chí còn biết dùng nhiều từ lóng) đến như vậy.