pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia đình là động lực giúp phụ nữ khiếm thị có thêm niềm tin vào cuộc sống
Tổ ấm của đôi vợ chồng khiếm thị. Ảnh minh họa: Trường Hùng
Theo bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, chia sẻ, gia đình có ý nghĩa hết sức to lớn, đặc biệt đối với người khuyết tật. Đông đảo phụ nữ khiếm thị luôn luôn khao khát làm vợ, làm mẹ, chính những điều này tạo niềm tin mãnh liệt trong cuộc sống cho chị em.
"Tuy nhiên, người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống về trình độ văn hóa, nhận thức. Cơ hội gặp gỡ, giao lưu để chia sẻ gắn bó yêu thương, tìm kiếm bạn đời cũng khó hơn", bà Đinh Việt Anh chia sẻ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, đề nghị các cấp Hội tiếp tục quan tâm, có những hoạt động cụ thể giúp đỡ chị em hội viên, đặc biệt là những chị em có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân nuôi con, được học nghề, tạo việc làm, ưu tiên vay vốn phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành hội, tính đến tháng 6/2021, có 38.132 hội viên nữ (chiếm 52,01%) trên tổng số 73.318 hội viên Hội Người mù Việt Nam. Ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em các cấp Hội thường xuyên tham mưu với lãnh đạo Hội và phối hợp với các ban chuyên môn để ưu tiên, chăm lo cho hội viên nữ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; trong đó chú trọng công tác hỗ trợ, động viên, giúp chị em thực hiện quyền kết hôn, quyền làm mẹ, chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình.
Hàng năm, TƯ Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tập huấn về công tác gia đình, bình đẳng giới cho cán bộ phụ trách công tác phụ nữ và trẻ em các tỉnh, thành hội.
Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, TƯ Hội Người mù Việt Nam và các đơn vị như: Hội người mù TP Đà Nẵng, Hội người mù TPHCM... đã thực hiện các dự án về quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ. Trong các khóa học và hoạt động dự án, việc phổ biến các nội dung về hôn nhân, gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con cái... luôn là một phần quan trọng của chương trình.
Nhiều đơn vị đã duy trì tốt các câu lạc bộ Bếp hồng hạnh phúc, Gia đình không sinh con thứ 3, Gia đình hạnh phúc, Phụ nữ niềm tin... Qua đó, giúp cán bộ, hội viên nói chung, cán bộ, hội viên nữ nói riêng thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của gia đình, có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm xây dựng, gìn giữ hạnh phúc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Không chỉ tuyên truyền trong cán bộ, hội viên của Hội, các cấp Hội còn tích cực tuyên truyền ra cộng đồng, đặc biệt, thuyết phục các gia đình để chị em phụ nữ mù nhận được sự thấu hiểu, cảm thông khi tiến tới hôn nhân hoặc thực hiện quyền làm mẹ, được giúp đỡ, sẻ chia giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Nhờ được nâng cao kiến thức, kỹ năng, chăm lo ổn định kinh tế, tạo những tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng hạnh phúc gia đình, đến nay, tại 30 đơn vị khu vực phía Nam đã có 8.228 chị lập gia đình, 3.088 chị thực hiện quyền làm mẹ. Một số đơn vị đã có những hoạt động ý nghĩa như tổ chức đám cưới tập thể, hỗ trợ ảnh cưới, xe hoa, vận động trao tặng sổ tiết kiệm cho các cặp vợ chồng.
TƯ Hội Người mù Việt Nam và các cấp Hội địa phương đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng điện thoại thông minh cho nhiều hội viên nữ nhằm giúp gia đình chị em thuận lợi hơn trong việc liên lạc, gắn bó giữa các thành viên, đồng thời có thêm phương tiện học tập, nâng cao kiến thức. Các lớp học làm hoa từ hạt cườm, lớp cắm hoa tươi của các đơn vị đã giúp chị em tự tay trang trí cho ngôi nhà của mình thêm đẹp và ấm áp. Các hoạt động chăm sóc trẻ em mù và con của hội viên với nhiều hoạt động phong phú, đem lại sự hỗ trợ thiết thực cũng như mang niềm vui đến với các cháu và gia đình.