Gia đình - nơi mạch ngầm kết nối yêu thương

28/06/2018 - 12:41
Trong dòng chảy cuộc sống, gia đình chính là nơi của những mạch ngầm kết nối yêu thương. Ở đó con người không chỉ được nuôi dưỡng trưởng thành mà còn là khởi nguyên để hình thành những điều tốt đẹp trong xã hội.

Khi xem gian trưng bày của Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tại Ngày hội Gia đình 2018, có thể cảm nhận thông điệp “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”, cảm nhận các giá trị tốt đẹp của gia đình, văn hoá ứng xử giữa các thành viên, nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc là vợ chồng thuận hòa, yêu thương con cái, anh em giúp đỡ, sẻ chia, con cái hiếu thảo.

Bắt đầu bước chân vào không gian này là bạn bắt đầu khám phá những câu chuyện cuộc sống xúc động để thấy trân trọng hơn từng khoảnh khắc gắn bó gia đình.

Những câu chuyện đều chung mạch ngầm kết nối yêu thương

 

Mỗi bức ảnh, mỗi câu chuyện là một miếng ghép mở ra từng tình huống gia đình phong phú. Chẳng câu chuyện nào giống câu chuyện nào nhưng tất cả đều chung mạch ngầm của những kết nối yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. 

Thông điệp “trọng cha, kính mẹ một đời chớ quên” không phải là mớ lý thuyết khô cứng, yêu cầu mọi người phải làm cái này, phải tránh cái kia. Định nghĩa hiếu thảo cứ dồn dập đến trong từng lời tâm sự chân thành, trong từng câu chuyện đời thường giản dị. 

“Mẹ chồng tôi trên 100 tuổi, vợ chồng tôi tuổi cũng hơn 80. Thấy bố mẹ tuổi cao, các con tôi muốn nhờ người chăm bà nhưng chồng tôi không đồng ý. Cách đây mấy năm, nửa đêm cụ bị cao huyết áp, ông ấy lo quá cõng mẹ gần chục cây số đến trạm y tế. Ông làm món ăn cụ thích, biết thuốc Tây không tốt cho người già nên trồng thuốc nam cho cụ. 

Có công việc ông chỉ tranh thủ đi một lát rồi tất tả về, sợ mẹ cần mình. Các con tôi ở xa nhưng mỗi dịp lễ lại sum họp đầy đủ. Thấy gia đình đầm ấm, bố mẹ chăm bà chu đáo, chúng sẽ noi gương để sống tốt hơn”, bà Phạm Thị Trù, xã An Thạnh, Thạch Phú, Bến Tre. 

Tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái gói gọn trong một quy luật dễ nhớ “sinh con ai chẳng vun trồng cho con”. Đó là câu chuyện của chị Yến ở Hoài Đức (Hà Nội) không may mắc ung thư khi đang mang thai tháng thứ 5.

Anh Trình Quốc Tuấn và con gái nhỏ

 

Khi phải lựa chọn giữa con và mạng sống của mình, chị đã không ngần ngại lựa chọn hy sinh tính mạng “Để giữ được con, tôi không thể uống thuốc kháng sinh cũng như xạ trị. Hậu quả là đôi mắt ngày một kém, tôi đã phải “vượt cạn” trong bóng tối. Ngày con cất tiếng khóc chào đời, tôi xin bác sĩ được chạm vào mặt con. Tôi có hỏi bác sĩ trông con thế nào, bác sĩ bảo con bé xinh lắm làm tôi hạnh phúc đến ngạt thở”. 

Rồi hành trình của người cha (anh Trình Quốc Tuấn) xin sữa cho con khi căn bệnh quái ác cướp đi mạng sống của vợ sau 10 ngày ở cữ, hành trình cùng con gái bại liệt cả hai chân đi học hàng ngày của bố mẹ, hành trình giúp con bị chấn thương sọ não trở lại cuộc sống bình thường, hành trình người cha tha hương lao động, sống ở gầm cầu để dành tiền gửi về vợ chăm sóc, nuôi nấng, cho con học hành... Những câu chuyện nối tiếp câu chuyện chia sẻ những bài học tình người như mưa dầm, lặng lẽ thấm vào từng nhịp đập con tim. 

Không có công thức cho yêu thương, vị tha nhưng đều là những tình cảm xuất phát từ sâu thẳm trái tim. Từ câu chuyện của cụ ông hơn 80 tuổi bị bệnh mạch máu não chăm vợ bị tai biến 9 năm nay, đến câu chuyện của người chồng bền bỉ chăm vợ hôn mê sâu 5 năm liền, đến nay đã 20 năm trong hành trình ấy, vợ ông đã có thể ngồi dậy nói chuyện được, chỉ có thể nói là kỳ tích. 

Rồi hành trình một người mẹ chấp nhận con gái mình thích và yêu một cô gái khác. Hay ước mong của một bà mẹ chỉ đơn giản là các con hạnh phúc, bố mẹ yên lòng. Hay câu chuyện người em nài nỉ, thuyết phục anh nhận một quả thận của mình khi người anh bị suy thận độ 3. Hay người em gái sẵn sàng mang thai giúp cho chị gái để anh chị có thể thực hiện được thiên chức của mình... 

Triển lãm cũng giới thiệu các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục con cái.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm tôn vinh mái ấm gia đình Việt. Những giá trị truyền thống như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu nghĩa, hiếu học... đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để mỗi người con hướng về  cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm 2018 là  "Gia đình: Nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm