pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia Lai: Đẩy mạnh thực hiện Dự án 8 để nâng chất lượng cuộc sống phụ nữ dân tộc thiểu số
Chị em được tiếp cận với nguồn nước sạch.
Đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi "nếp nghĩ, cách làm"
Những năm qua, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã tổ chức triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Cụ thể, Dự án 8 được triển khai thực hiện gồm 4 nội dung với 16 nhóm hoạt động như: Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng…
Sau 3 năm triển khai thực hiện, dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc nhưng các cấp Hội trên địa tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò chủ trì, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi của dự án và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Điển hình như huyện Phú Thiện, Hội LHPN Phú Thiện đã khẩn trương chủ động xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch thực hiện Dự án. Cùng với đó, Hội còn tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông và thành lập các mô hình CLB; kịp thời nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan ban, ngành địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Dự án 8 được triển khai tại 7 xã và 18 thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Đối tượng của dự án là phụ nữ và trẻ em tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bà Phạm Thị Soa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện (Gia Lai) - cho biết: "Dự án 8 đã mang lại nhiều khởi sắc cho chị em phụ nữ vùng DTTS nơi đây. Dự án còn mang lại điều kiện thuận lợi để Hội và các cơ quan, ban, ngành địa phương thúc đẩy chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em DTTS, những người còn chịu nhiều thiệt thòi. Qua đó thúc đẩy quyền và trao cho họ cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng và phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng huyện Phú Thiện ngày càng phát triển".
Theo bà Soa, trong 3 năm triển khai Dự án 8, huyện Phú Thiện đã thành lập 12 mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" với 98 thành viên và hỗ trợ 12 loa kéo cho các tổ truyền thông cộng đồng; thành lập ra mắt 2 "Địa chỉ tin cậy cộng đồng", hỗ trợ bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình; thành lập 3 Mô hình Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" với 44 thành viên. Cùng với đó, huyện đã tổ chức 6 cuộc Đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn/bản với 240 hội viên tham dự; 9 lớp tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới, nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho hơn 600 cán bộ cấp huyện, xã, trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng.
Nhiều mô hình ra đời từ Dự án 8
Tương tự, qua 3 năm triển khai Dự án 8, huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã thành lập được 11 "Tổ truyền thông cộng đồng" với 95 thành viên; 3 mô hình "Địa chỉ tin cậy" tại cộng đồng với 27 thành viên; 2 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" với 60 thành viên. Có 260 cán bộ xã, thôn, làng, người có uy tín trong cộng đồng, hội viên phụ nữ nòng cốt...được tập huấn chương trình về phát triển năng lực lồng ghép giới cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, các nội dung của Dự án 8 được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong việc xóa bỏ những rào cản, định kiến giới, thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS trên địa bàn huyện.
Bà Rơ Chăm H'Hồng - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban điều hành Dự án 8 - cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tại các cấp, cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đảm bảo đạt chỉ tiêu giai đoạn đã đặt ra; Tăng cường phối hợp và phát huy thế mạnh của các sở, ngành liên quan tham gia thực hiện các hoạt động cụ thể. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án 8 nhằm hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn I đề ra.
Dự án 8 được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho các hoạt động, mô hình khác, được lồng ghép một cách hiệu quả và bền vững tại vùng đồng bào DTTS. Từ đó, tạo cơ hội để phụ nữ và trẻ em DTTS tiếp cận, tham gia chương trình với vai trò vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng chính sách.