pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia Lai: Phụ nữ Ba Na cùng hợp tác phát triển kinh tế với tinh thần "làm một mình không vui"
Tổ hợp tác Voi Rừng với các thành viên là phụ nữ người Ba Na
Hội LHPN huyện Kbang là một trong số tập thể điển hình về thực hiện phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ toàn tỉnh Gia Lai nhờ những hoạt động phù hợp, thiết thực, được đông đảo hội viên chung sức hưởng ứng.
Trong các hoạt động, Hội LHPN Kbang luôn chú trọng các mục tiêu nhiệm vụ của địa phương, hướng đến hiệu quả của hoạt động, mục tiêu nâng cao đời sống của người phụ nữ. Hội LHPN huyện Kbang có 14 tổ chức cơ sở Hội, số hội viên là phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm khoảng 45%, trong đó chủ yếu là người Ba Na. Mô hình các tổ phụ nữ tại các làng, bản, hội viên cùng đoàn kết hỗ trợ nhau hoạt động rất hiệu quả tại huyện Kbang.
Giữa đại ngàn Tây Nguyên, đất đã ban tặng những người con của núi rừng nhiều món quà. Từ những món báu vật được Yàng (thần) ban tặng, từ nguồn lực trên chính mảnh đất của mình, người Ba Na ngày hôm nay đã cùng nhau đoàn kết, phát triển đi lên.
Người Ba Na có một đặc sản được coi là "tiên tửu", đó là rượu cần. Khi những cánh hoa đào rừng bung nở trên những sườn đồi, là khi người Ba Na bắt đầu vào mùa lễ hội. Thứ men rượu cần của người Ba Na là men rượu bí truyền. Phụ nữ Ba Na mang gùi lên rừng lấy vỏ cây hyam, củ riềng, ớt khô rừng, lấy gạo tẻ thung lũng vo nước suối. Những nguyên liệu này được trộn đều xong giã nhuyễn. Mỗi cối có 3 chị em cùng cầm chày để giã, rượu có ngon hay không phụ thuộc vào khâu giã này. Men rượu cần phải có men mái và men trống.
Người Ba Na có quan niệm "làm một mình không vui", làm gì cũng phải làm chung với nhau, cùng quây quần, gắn bó, đoàn kết. Cho đến ngày hôm nay, từ sinh hoạt của Hội Phụ nữ, đến cùng nhau để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tinh thần "làm một mình không vui" vẫn tiếp tục được duy trì.
Tại làng Đăk Giang 2, thôn 4, xã Đông (huyện Kbang) có một tổ hợp tác kinh tế của phụ nữ mang tên Tổ hợp tác nông lâm, thủ công mỹ nghệ Voi Rừng. Các thành viên của tổ hợp tác đều là người Ba Na, là Hội viên hội phụ nữ xã Đông. Sản phẩm của tổ hợp tác Voi Rừng bao gồm rượu cần, mật ong và chè dây. Cái tên "Voi Rừng" là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, ý chí đi lên của người Ba Na.
Người Ba Na quan niệm giữ gìn rượu cần là giữ gìn báu vật của đại ngàn. Chị Đinh Thị Đách- người sáng lập tổ hợp tác Voi rừng chia sẻ: "Làm rượu cần trước hết là để lưu giữ văn hóa của người Ba Na, rượu được uống vào những dịp lễ hội, những dịp trọng đại của người Ba Na. Sau đó tôi nhận ra rằng bán rượu cần thì rất có tiềm năng. Chúng tôi thành lập nhóm chị em phụ nữ sản xuất, sản phẩm rượu cần lấy tên là Đăk Giang 2 – là tên của làng chúng tôi".
Từ một vài sản phẩm ban đầu, hiện tại, mỗi năm nhóm của chị Đách bán ra thị trường khoảng 600 bình rượu cần, với 3 loại gồm bắp, bo bo vào gạo.
Tiếp sau sản phẩm rượu cần là mật ong và chè dây. Mật ong rừng ở Kbang rất đặc biệt, 100% là mật ong rừng tự nhiên, được lấy trong rừng sâu vào mùa đi lấy mật nên rất thơm ngon. Nghề lấy mật ong được truyền từ nhiều đời trước. Cây chè dây là một cây thảo dược quý, có công dụng phòng, chữa nhiều loại bệnh. Với người Ba Na, đây là những món quà thần rừng ban cho, nên từ xa xưa, tất cả đều được khai thác đúng cách, vừa khai thác vừa giữ gìn cho muôn đời sau, để tỏ lòng biết ơn với thần rừng.
Việc sản xuất và bán ra thị trường các loại đặc sản địa phương là rượu cần, mật ong, chè dây mang lại nguồn thu nhập rất tốt cho các chị em thành viên trong tổ. Mỗi ngày, các chị em lại cùng bên nhau tham gia sản xuất, cùng chia sẻ với nhau kiến thức, cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái.
Chị Đinh Thị Đách cho biết: "Khi quyết định khởi nghiệp, tôi mạnh dạn vay vốn các chương trình cho vay vốn ưu đãi cho phụ nữ phát triển kinh tế của Ngân hàng chính sách xã hội. Thời điểm hiện tại, nhờ sản phẩm bán tốt, tôi đã trả hết nợ ngân hàng. Ban đầu, chúng tôi chỉ biết làm sản phẩm, nhưng để phát triển lên thì cần học thêm rất nhiều các kiến thức về bán hàng, quảng bá sản phẩm. Hội LHPN xã Kbang có trợ giúp chúng tôi bằng cách tạo điều kiện để tham gia các khóa học, các khóa tập huấn về nâng cao kiến thức kinh tế cho phụ nữ.
Sau các khóa học, tôi chia sẻ những gì mình đã thu nhận được với các chị em khác, để cùng nhau phát triển. Với người Ba Na, tất cả là anh chị em, buôn làng là gia đình, cùng đoàn kết với nhau, vừa có niềm vui vừa có thêm thu nhập. So với trước đây, hiện tại đời sống của người dân nói chung và người Ba Na ở Kbang đã phát triển tốt hơn rất nhiều, các mô hình kinh tế nông nghiệp đều rất tốt, nhiều cây trồng đem lại hiệu quả và thu nhập tốt cho người dân".
Vừa khởi nghiệp làm kinh tế, nhóm Voi rừng của chị Đinh Thị Đách vừa tích cực tham gia vào các hoạt động Hội, các hoạt động giữ gìn văn hóa của người Ba Na tại địa phương. Chị Đinh Thị Đách là hội viên tiêu biểu, mô hình của chị được đánh giá là mô hình tiêu biểu để các hội viên khác trong huyện Kbang cùng học hỏi.