pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái Ba Na làm mẹ đơn thân từ tuổi 15, cứu 2 bé sơ sinh thoát hủ tục chôn sống
Nụ cười hạnh phúc của 3 mẹ con cô gái Ba Na
Năm 2004, một người phụ nữ dân tộc không có điều kiện đã phải đẻ tại nhà và không may qua đời. Biết được đứa trẻ chắc chắn sẽ bị "ban tội chết", Y Byen khi ấy đang là học sinh lớp 9, đã dám nghĩ, dám làm, vượt qua những hủ tục để đến xin sinh linh bé nhỏ về nuôi nấng, cưu mang.
Cô đặt tên cho cậu bé là Y Song – nghĩa là "Món quà của Chúa Trời". Sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Plei Piơm, cô gái người dân tộc Ba Na Y Byen khi ấy ngoài thời gian đi học, còn tranh thủ đi móc mủ cao su, bắt cua, bắt ốc để trang trải học phí và mua sữa cho con.
Từ đời này đến đời khác, nhiều tộc người ở Tây Nguyên, trong đó có người Ba Na, đều nhắc nhở và cấm con cháu khi vào rừng săn bắt không được sát hại những con thú bụng mang dạ chửa. Đặc biệt, họ luôn lên án hành vi phá thai. Nếu bị phát hiện, hành vi trái đạo đức đó sẽ bị kết tội biếng nhác (không muốn nuôi con), độc ác và hẳn nhiên sẽ bị họ hàng, dân làng trách móc, khinh bỉ. Ấy thế nhưng họ lại nhẫn tâm chôn sống đứa trẻ đáng thương mồ côi mẹ.
Hủ tục "dọ-tơm-amí" - chôn sống trẻ sơ sinh theo mẹ - được giải thích rằng, khi mẹ chết đi, đứa trẻ rồi cũng sẽ chết vì đói do không được bú sữa mẹ, không được cho ăn. Người ta tin rằng, tục "dọ-tơm-amí" sẽ giúp đứa trẻ khi về với thế giới ma sẽ được mẹ chăm sóc tốt hơn. Hơn thế nữa, họ quan niệm đứa bé không có bàn tay mẹ chăm sóc sẽ gây nên phiền toái cho cha, anh, chị, em trong gia đình. Chính vì thế, đứa trẻ phải theo mẹ càng sớm càng tốt, khi ấy linh hồn người mẹ sẽ được siêu thoát và người sống cũng không phải bận lòng. Chỉ vì những suy nghĩ giản đơn và ấu trĩ ấy mà khi người mẹ chết, rất nhiều đứa trẻ còn chưa dứt sữa cũng bị chôn sống theo mẹ.
11 năm sau, trong một lần đi công tác, Y Byen lại bắt gặp một đứa trẻ sinh non bị vứt ở nghĩa trang. Bản năng người mẹ trong cô lại trỗi dậy thôi thúc Y Byen mang đứa trẻ thứ hai về nuôi với cái tên là Y Sơn, nghĩa là "Ngọn núi của dân làng".
Cha mẹ cô cũng không còn sức khỏe nên giờ chỉ làm nông và dệt thổ cẩm sống qua ngày. Thế nhưng, ủng hộ việc làm của con gái, cha của cô là ông Y Byơm cho biết, dù cho có khổ mấy đi chăng nữa, gia đình ông cũng bán cả gà, heo để nuôi đứa bé ăn học tươm tất. Riêng Y Byen, nhờ sở hữu chất giọng mạnh mẽ, hào sảng của núi rừng nên có cơ hội trở thành ca sĩ tại Đoàn văn công Đam San, thành phố Pleiku. Mỗi tháng, thu nhập của Y Byen vào khoảng 3 – 4 triệu đồng, cũng chỉ đủ trang trải những chi phí cơ bản cho gia đình 5 người.
Sở hữu nhan sắc dễ nhìn, nụ cười tỏa nắng cùng giọng hát nội lực, Y Byen cũng đã hơn 30 tuổi, có nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng cứ nhắc đến chuyện lập gia đình là cô gái người Ba Na lại trăn trở: "Liệu có người chồng nào đủ vị tha, chấp nhận hết lòng yêu thương hai đứa con nuôi của cô?".
Để các con có một tương lai tươi sáng hơn, cô ca sĩ của núi rừng còn mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình "Hát mãi ước mơ", hát cho hai con có cơ hội học hành nên người. Số tiền nhận được trong chương trình "Hát mãi ước mơ" không lớn nhưng là kết quả của nhiều những nỗ lực, cố gắng của Y Byen suốt những năm vừa qua. Không chỉ vậy, thông qua chương trình, Y Byen còn dùng tiếng nói nhỏ bé của mình kêu gọi đồng bào Ba Na vì những đứa trẻ vô tội, hãy xóa bỏ hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh. Cô mong muốn sau này, những đứa trẻ không may có mẹ qua đời từ lúc lọt lòng, sẽ được sống trong tình thương yêu, đùm bọc của gia đình.
Trong lần về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020, Y Byen đã khiến những người có mặt xúc động khi chia sẻ: "Ngoài tình yêu thương dành cho các con, tôi cũng muốn gửi đến dân tộc của tôi một thông điệp, hãy bỏ những hủ tục lạc hậu để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Đừng vì những quan niệm cổ hủ mà bỏ những sinh linh bé nhỏ, tội nghiệp".