Chị nghe con nói vậy, vừa hơi tự ái nhưng cũng vừa tò mò muốn biết “mẹ bạn Loan” đã làm gì, ứng xử ra sao mà lại được lòng bọn trẻ đến vậy. Bình không phải đứa trẻ dễ tính và rất tiết kiệm lời khen với mẹ.
Hồi học tiểu học, nó còn quấn quít, nghe lời mẹ nhưng từ khi bước vào tuổi teen, nó thay đổi hẳn. Bình trở nên khó hiểu khiến quan hệ hai mẹ con cứ xa dần.
“Trời ơi, bạn Loan có một người mẹ cực kỳ tuyệt vời. Giá như mẹ bằng 1/100 của bác ấy thôi thì con đã mãn nguyện lắm rồi". Ảnh minh họa: Internet |
Vào bữa ăn cơm, chị mới lừa lựa hỏi: “Thế buổi sinh nhật của con hôm nay sao rồi? Mẹ bạn Loan ở nhà hay... lánh nạn chỗ khác để các con được tự do?”. Chị hỏi vậy để cố tình “khơi gợi” con kể về người phụ nữ ấy. “Bác ấy ở nhà, nhưng thoải mái lắm mẹ ơi”, Bình đáp, “Con chưa thấy ai tâm lý như thế. Bác ấy cho chúng con tự đi chợ nấu món gì tùy thích. Chúng con đã chọn làm sushi, mì Ý... Tiếc thay, không đứa nào khéo tay nên nấu hỏng khá nhiều. Căn bếp thì bị đảo lộn như bãi chiến trường, mẹ ạ”.
Điều khiến con chị thích nhất là “mẹ bạn Loan” không hề cáu gắt, mắng mỏ các con vì tội bày bừa, vụng về. “Bác ấy vẫn nhẹ nhàng bảo không sao, nấu xong dọn là được”.
Bình và Loan có sinh nhật chỉ cách nhau 1 tuần. Vì thế, ít ngày sau, đến lượt nhà chị “mở tiệc” đón các bạn của con tới chơi. Đến khuya hôm đó, Bình lại kể với mẹ: “Trời ạ, bạn Loan khen con tốt số vì có mẹ tuyệt vời thế. Bạn ý ước giá mà mẹ mình cũng được như mẹ. Loan đâu biết rằng con cũng có suy nghĩ giống hệt bạn ấy”.
Nghe con nói, chị bật cười. Hai đứa trẻ này đều cảm thấy “mẹ của bạn” mình tốt hơn mẹ của mình.
Hôm sau, khi đến trường đón con gái, chị đã gặp Loan đang đứng đợi mẹ ở cổng. Tranh thủ lúc con còn đang nói chuyện với các bạn trong sân trường, chị hỏi Loan: “Sao cháu lại bảo bác tuyệt vời? Sự thực thì bác không được như thế đâu. Bác lại nghĩ mẹ cháu tốt hơn bác nhiều!”; “Không đâu ạ! Mẹ cháu hay cáu kỉnh chứ không dịu dàng như bác”, Loan đáp.
Loan kể chỉ khi có khách, mẹ mới tỏ ra dễ thương thế thôi chứ bình thường, mẹ rất ít khi nói ngọt với Loan. Mẹ muốn biết Loan học tập ở trường thế nào, thay vì hỏi: “Hình như hôm nay con học vui nhỉ?”, mẹ lại nói: “Học sao rồi, bị mấy điểm kém?”. Loan thích nấu nướng, làm bánh nhưng nếu không có mặt các bạn, mẹ sẽ càm ràm Loan chỉ giỏi bày bừa, học không lo học.
Chị thử thay đổi bằng cách cũng coi con như một vị khách quý trong nhà. Ảnh minh họa: Internet |
“Hôm đến nhà bác, cháu làm vỡ cái cốc. Nếu là mẹ cháu thì cháu đã bị mắng một trận ầm nhà, rồi mẹ cháu sẽ ca cẩm tiếc bộ cốc đẹp. Nhưng bác chỉ cười và bảo thôi không sao, để bác dọn cho. Các cháu lần sau đừng vừa cầm cốc, vừa đùa nghịch như thế nữa. Cốc đã vỡ rồi nhưng cách nói của bác khiến cháu dễ tiếp thu”, Loan dẫn chứng.
Nghe Loan nói vậy, chị thầm “xấu hổ” trong lòng. Chị cũng giống hệt người mẹ kia thôi. Khi có bạn của con đến chơi nhà, chị luôn ứng xử thật lịch sự, hiếu khách. Song, nếu chỉ có hai mẹ con, chị cũng cáu bẳn, khó tính, bởi chị nghĩ “con là con của mình” chứ có phải “người ngoài” đâu mà cần phải giữ ý. Hóa ra chị đã lầm. Những đứa trẻ như con chị luôn mong muốn được người lớn tôn trọng, nói năng nhẹ nhàng và ủng hộ sở thích của chúng.
“Tại sao mình có thể nói lịch sự với các bạn của con, mà không thể làm như vậy với con của mình? Mình không muốn làm bạn của con tổn thương nhưng lại khiến con buồn bằng lời nói nặng. Mình thường kiềm chế cảm xúc giận dữ trong mọi hoàn cảnh để làm một người mẹ dịu dàng trong mắt lũ trẻ, song, lại chẳng quan tâm trong mắt con, hình ảnh của mình ra sao”, chị nhủ thầm.
“Tại sao mình có thể nói lịch sự với các bạn của con, mà không thể làm như vậy với con của mình? Mình không muốn làm bạn của con tổn thương nhưng lại khiến con buồn bằng lời nói nặng. Mình thường kiềm chế cảm xúc giận dữ trong mọi hoàn cảnh để làm một người mẹ dịu dàng trong mắt lũ trẻ, song, lại chẳng quan tâm trong mắt con, hình ảnh của mình ra sao”, chị nhủ thầm.
Từ đó, chị thử thay đổi bằng cách cũng coi con như một vị khách quý trong nhà. Khi con có điều gì sơ suất, thay vì mắng mỏ, chị nhẹ nhàng nhắc con phải cẩn thận hơn trong lần sau. Con bị điểm kém, chị không “phủ đầu” con bằng những lời quy kết “nuôi con tốn cơm”, “học dốt vô tích sự” mà nhắc nhẹ nhàng: “Có lẽ do con chưa cố gắng hết sức. Mẹ tin là nếu chăm học, con còn giỏi hơn cả mẹ hồi nhỏ”.
Quả nhiên, đến một ngày, con gái nhìn chị ngạc nhiên: “Con thấy có gì đó sai sai nhưng con thích mẹ như vậy. Mẹ bắt đầu hiền và tuyệt vời hệt như... mẹ của bạn con rồi!”.