pnvnonline@phunuvietnam.vn
Già trẻ cùng giữ nghề đan lưới độc đáo ở Thủ đô
Chị Phạm Thị Hiền tỉ mẩn với những mũi đan
Nghề đan ngư cụ nơi phố thị
Theo Quốc lộ 1A, chúng tôi tìm về làng Trần Phú (xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội) để tìm hiểu về làng nghề đan ngư cụ độc đáo ở Thủ đô.
Vừa đặt chân đến đầu làng, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh những người lao động hăng say làm việc pha lẫn với hình ảnh óng ánh của những tay lưới được treo, bày bán trên các kệ hàng. Những âm thanh xoèn xoẹt cắt xốp, tiếng đạp kẹp chì liên hồi... Tất cả tạo nên bức tranh hối hả của cuộc sống ở làng nghề đan lưới lâu đời này.
Chúng tôi ghé vào một xưởng sản xuất (được tận dụng 2 gian nhà) ở ngay giữa làng. Đang ngồi tỉ mẩn từng mũi đan, chị Phạm Thị Hiền (48 tuổi), một người thợ có tay nghề hơn 20 năm đan lưới, chia sẻ: "Lúc nhỏ tôi đã thấy bố mẹ và anh em trong nhà làm rồi. Lớn chút nữa, tầm 6- 7 tuổi, chúng tôi được tập tành, bố mẹ hướng dẫn nên dần dần đều làm quen với công việc này, hằng ngày một buổi học, một buổi ở nhà đan lưới".
"Trẻ 6 -7 tuổi đã có thể thực hiện thao tác đơn giản như vào ghim, đan then mốt, then hai và từ 10 tuổi trở lên đã có thể thoăn thoắt đan lưới một cách thành thục", chị Hiền cho biết.
Ngồi phía trong, đang hì hụi công đoạn ra xốp (cắt từng miếng xốp nhỏ theo kích thước của từng loại lưới) để làm phao và kẹp chì, anh Nguyễn Văn Đồng (52 tuổi), chồng chị Hiền, tiếp lời vợ: "Ở đây, với sản phẩm này thì chúng tôi chỉ đan thủ công bằng tay. Với gia đình tôi, sản phẩm phần lớn là lưới đánh cá loại nhỏ như đánh ở sông hồ, đồng ruộng. Lưới đánh cá cho các thuyền đi biển là loại lớn hơn nhiều, giá thành cao, tiền đầu tư cũng nhiều nên chúng tôi chưa kham được".
Theo anh Đồng, nếu như trước kia, lưới Trần Phú chủ yếu phục vụ nhu cầu đánh bắt cá, tôm thì ngày nay, do được làm bằng nilon cho độ chắc, bền cao nên lưới Trần Phú thường được dùng để sản xuất các thiết bị thể thao (lưới cầu môn bóng đá, bóng rổ), sản xuất nông nghiệp (bảo vệ hoa màu, chăn nuôi) hay các công trình xây dựng...
"Nhờ chịu khó tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, cùng việc cải tiến để có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, lưới Trần Phú ngày càng được ưa chuộng trên thị trường", anh Đồng cho biết thêm.
Người già cùng con cháu giữ nghề của cha ông
Đi sâu vào cuối làng, chúng tôi dừng lại ở ngôi nhà nhỏ bên đường, ngôi nhà được tận dụng chỗ làm việc kiêm sinh hoạt. Bà Phạm Thị Tứ (75 tuổi) đang ngồi tỉ mẩn bên tay lưới đã dần thành hình. Bà tâm sự: "Tôi ở một mình, con cháu cũng ở trong làng này cả, khi chúng lớn lên tôi dựng vợ gả chồng là cho ra riêng, chúng tự lo cuộc sống của mình.
Người già chúng tôi chỉ thích sống một mình, không muốn phụ thuộc vào con cháu. Mình còn sức, mình vẫn làm việc, hôm nào mệt thì nghỉ. Ngày rằm đầu tháng, mấy bà già trong xóm lại rủ nhau lên chùa thắp hương, tìm về chốn Phật môn để tâm hồn được tĩnh lại".
"Mỗi người đều có việc của mình tùy theo tuổi tác, trẻ con lớp 1- 2 thì phụ trách khâu xâu, đứa biết hơn thì đảm nhận việc cặp chì. Người già như bọn tôi, mắt kém chủ yếu là công đoạn nhẹ nhàng như thắt đầu xốp, vào ghim... Làm chăm chỉ, một ngày cũng được 8 - 9 đầu và tiền công mỗi đầu được 15.000 - 20.000 đồng, cũng đủ chi tiêu cho thân già hằng ngày", bà Tứ cho hay.
Ngồi bên cạnh là bà Ninh Thị Thảo (62 tuổi), đang thoăn thoắt đưa kim đan lên xuống để hoàn thiện tay lưới, những động tác của bà như đang múa phụ họa theo tiết tấu của bài hát được phát ra ở loa nhà hàng xóm.
"Chúng tôi sống hơn nửa đời người, công việc hằng ngày gắn liền với đan lưới, làm bạn với những con chì, sợi cước. Đời cha mẹ tôi bám nghề đan lưới để nuôi các con. Đến đời tôi và các con cũng đang lấy nghề đan lưới làm công việc mưu sinh", bà Thảo tâm sự.