pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giá vàng SJC, vàng nhẫn cùng tăng đỉnh
Giá vàng SJC, vàng nhẫn cùng tăng đỉnh. Ảnh minh họa
Trong tuần qua, vàng SJC giao dịch lên xuống khá nhẹ nhàng, chủ yếu quanh ngưỡng đỉnh 76-77 triệu đồng/lượng.
Tính đến cuối ngày 19/1, Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng miếng SJC tại 74,3-76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), đi ngang so với phiên hôm qua, tăng khoảng 500.000 - 800.000 đồng mỗi chiều sau 1 tuần.
Tại DOJI, cả hai thị trường Hà Nội và TPHCM, vàng SJC đang có giá 74,25-76,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), so với tuần trước mức giá tăng khoảng 600.000-800.000 đồng/lượng.
Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thì giữ mức giá 74,4-76,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cũng tăng khoảng 800.000-900.000 đồng trong tuần qua.
Nhìn chung tuần qua, giá vàng có diễn biến khá ổn định, không quá mạnh, mỗi phiên chỉ chênh nhau khoảng vài trăm, quanh vùng đỉnh là 76-77 triệu đồng/lượng. Trung bình toàn thị trường, vàng SJC đang có giá 74,3-76,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 800.000 đồng/lượng so với thời điểm tuần trước.
Mặc dù vậy, khoảng cách giữa 2 chiều mua vào và bán ra vẫn khá cao, tới 1,5 triệu đồng. Thị trường vàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh, vàng là một trong những vấn đề đang được Nhà nước quan tâm.
So với thời điểm này tháng trước, mức giá chiều mua vào vàng SJC chỉ chênh nhẹ 1 triệu đồng, song, mức giá bán ra đã tăng tới hơn 2 triệu đồng, tại 73,5-74,5 triệu đồng/lượng. Đồng nghĩa với điều nay, trong vòng 1 tháng, người mua đã lỗ 200.000 đồng/lượng, con số lỗ không quá lớn lên tới cả triệu đồng so với các tuần trước, nhưng cũng không giúp người mua sinh lời.
Diễn biến giá vàng SJC từ 19/12/2023 - 19/1/2024
Trái ngược với vàng SJC, tuần qua, thị trường vàng chứng kiến sức tăng mạnh mẽ đến từ mặt hàng vàng nhẫn, đạt đỉnh quanh mốc 65 triệu đồng/lượng. Các điểm giao dịch vàng trở nên sôi động hơn.
Tại thị trường quốc tế, giá vàng phục hồi trở lại mức 2.024 USD/ounce, song, vẫn diễn biến giảm mạnh trong tuần đã khiến vàng mất hơn 10 USD/ounce trong tuần qua. Quy đổi sang giá trong nước khoảng 59,7 triệu đồng/lượng, tạo khoảng cách lớn với giá vàng trong nước khoảng 14-17 triệu đồng/lượng.
Còn tại sàn Kitco, mức giá là 2.029,4 USD/ounce, giảm mạnh khoảng 20 USD/ounce sau 1 tuần.
Diễn biến giá vàng thế giới hiện tại
Giá vàng thế giới đã có một tuần giao dịch không mấy khả quan khi đồng USD tăng trưởng mạnh mẽ, điều tích cực là mức giá vẫn được giữ ổn định trên 2.000 USD/ounce. Diễn biến tăng trở lại vào cuối tuần diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung từ Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) sang xung đột Trung Đông.
Các diễn biến ở Trung Đông đã làm thúc đẩy giá vàng trong nhu cầu trú ẩn an toàn tại kim loại quý này, vàng thoát khỏi mức thấp nhất trong 5 tuần trước đó do chịu sức ép từ sự thay đổi về kỳ vọng lãi suất.
Dự báo giá vàng
Theo nhiều ý kiến dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới. Công cụ FedWatch Tool của CME cho thấy, khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, từ mức 65,1% xuống mức 53,2%.
Chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, Bob Haberkorn đánh giá, thị trường đang có sự nghi ngờ về khả năng cắt giảm lãi suất của Fed.
Thống đốc Fed, Christopher Waller cho biết, Mỹ đang tiến gần tới mục tiêu lạm phát 2% nhưng Ngân hàng Trung ương không nên vội cắt giảm lãi suất chuẩn cho đến khi chắc chắn tình hình lạm phát đã được kiểm soát ổn định.
Hơn nữa, đồng USD đang chiếm ưu thế, có lúc tăng tới 103,67 điểm, điều nay làm tăng thêm áp lực cho giá vàng.
Ở một khía cạnh khác, vấn đề về bất ổn địa chính trị cũng được các chuyên gia quan tâm, rủi ro chính trị tiếp tục hỗ trợ và giữ giá kim loại quý này ở mức 2.000 USD/ounce.
Do vậy, Tai Wong, chuyên gia phân tích kim loại độc lập tại New York đưa ra dự báo, bất ổn chính trị giúp giá vàng duy trì ở mức trên 2.000 USD/ounce, thời gian tới sẽ có khả năng duy trì trên 2.020 USD/ounce.