pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giả vờ yêu để lừa tiền ở Canada: Cái bẫy ngọt ngào khiến hàng trăm phụ nữ mất trắng số tiền "khủng"
Gặp nhau trên một trang web hẹn hò năm 2018 và chẳng bao lâu sau, gã đàn ông tên Jon Boulder đã thuyết phục được Amy Todd rằng việc đầu tư hàng nghìn đô la vào công việc kinh doanh ngựa của hắn ta sẽ tạo ra lợi nhuận để giúp cô có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống khi làm mẹ đơn thân.
Chỉ đến khi "sự giàu có" không xuất hiện, Todd mới cuống cuồng đi tìm hiểu về công ty của Jon và vỡ lẽ về câu chuyện tình yêu nhiều hứa hẹn của mình. Đến cái tên Jon Boulder hóa ra cũng là giả.
Những kẻ lừa đảo tình cảm ở Canada kiếm được hàng triệu đô la mỗi năm. Đó là một thực tế mà Trung tâm Chống gian lận Canada (Anti-Fraud Centre Canada - AFCC) muốn nhắc nhở mọi người trong những ngày rộn ràng không khí Valentine. Giả vờ yêu để lừa tiền hiện đang là một trong những loại lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến nhất ở quốc gia này, chỉ đứng sau lừa đảo đầu tư.
“Thật nhục nhã”, Todd, một nhân viên văn phòng ở thành phố Brantford, tỉnh Ontario (Canada), nói với phóng viên tờ Thời báo New York Times. “Tôi căm ghét bản thân mình vì đó là một sai lầm lớn mà tôi đã mắc phải. Nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi”.
Hiện Todd vẫn nợ ngân hàng 20.000 đô la Canada (tương đương khoảng 353 triệu đồng) trong khoản vay mà cô nói rằng mình dùng để đầu tư vào công việc kinh doanh do tên Jon "vẽ" ra.
Sập bẫy vì những lời đường mật
Các nạn nhân của Jon Mulder đều không biết tên thật của hắn ta là gì cho đến khi nó được đọc trước phiên tòa xét xử diễn ra gần đây.
Gã đàn ông này bị cáo buộc thay đổi tên của mình nhiều lần để hẹn hò với hơn 250 phụ nữ – và sau đó lừa đảo hàng ngàn đô la.
Cụ thể, tên Jon Mulder sử dụng nhiều bí danh để hẹn hò với khoảng 100 phụ nữ. Ngoài ra, hắn còn âm mưu liên lạc với hơn 150 người khác để cố gắng hẹn hò và sau đó là lừa tiền.
Theo CTV News, hắn sử dụng các tên như Johnny Myers, John Meyers, John Boulder và Jon Moudlers. Vậy mà, phải đến khi hắn đứng trước vành móng ngựa, và tên của hắn được xướng lên, nhiều phụ nữ là nạn nhân lừa đảo mới thực sự biết tên thật của hắn.
Nạn nhân tên Naomi Wolf cho biết: “Khi hắn nói tên 'Jon Mulder' trước tòa, tôi mới ngỡ ngàng, hắn không phải là 'Myers', mà là Mulder". Naomi nói cô đã gặp người đàn ông trên Facebook Marketplace khi cô muốn mua một chiếc xe máy với giá khoảng 8.000 bảng Anh. Người phụ nữ mô tả Mulder là người "hấp dẫn và lôi cuốn". Sau đó, cặp đôi nhanh chóng đi đến hẹn hò, trong khoảng 8 tháng.
Cho đến khi một người bạn gửi cho Naomi một liên kết đến một nhóm Facebook. Nó được gọi là "Chúng ta đang hẹn hò với cùng một người đàn ông - Toronto".
Lúc này, Naomi mới giật mình nhận ra người bạn trai yêu dấu của mình đang hẹn hò với khoảng 100 phụ nữ khác. Và chiếc xe máy mà Naomi mua thực sự thuộc về một người phụ nữ khác trong nhóm - tên Annge Madill.
Annge Madill thì gặp Mulder trên một ứng dụng hẹn hò, nhưng chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp.
Tuy nhiên, anh ta đã thay mặt cô bán chiếc xe máy – nhưng chưa bao giờ nhìn thấy tiền.
Cô kể: “Anh ta bắt đầu lợi dụng tôi ngay từ tin nhắn đầu tiên, lúc đó tôi ngây ngô không nhận ra. Anh ta tỏ vẻ là một quý ông đích thực. Ví dụ, anh ta mời tôi nghe một bản tình ca đồng quê, muốn trở thành người đầu tiên tôi nói chuyện vào buổi sáng và khiến tôi cảm thấy thực sự đặc biệt".
“Tôi đã cặp kè với phụ nữ trên khắp Ontario. Tôi gọi họ là đội quân gái mới của mình. Chúng tôi nói chuyện hàng ngày và chúng tôi cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt”, gã Mulder nói trước tòa.
Những con số đáng kinh ngạc
Jeff Horncastle, phát ngôn viên của Trung tâm chống gian lận, ở North Bay, tỉnh Ontario, cho biết nhiều nạn nhân quá xấu hổ khi báo cáo với cơ quan chức năng những mất mát của họ. Vì vậy, dữ liệu hiện tại mà trung tâm này nắm được rất có thể là số liệu chưa đầy đủ.
Theo ước tính của AFCC, có chưa đến 5% nạn nhân dũng cảm lên tiếng báo cáo vụ việc lừa đảo cho tổ chức này. Đây là tổ chức được điều hành bởi Cảnh sát tỉnh Ontario, Cảnh sát Hoàng gia Canada và Cục Cạnh tranh.
Những con số thật đáng kinh ngạc: Hơn 1.000 nạn nhân đã mất 27,8 triệu đô la Canada vào năm 2020 vì các vụ lừa đảo "lãng mạn", 1.391 nạn nhân đã mất 64,2 triệu đô la Canada vào năm 2021 và 1.056 nạn nhân đã mất 59 triệu đô la Canada vào năm 2022.
Tên thật của người đàn ông mà Todd nói đã lừa gạt cô là Jon Mulder. Gã đàn ông này đang phải đối mặt với cáo buộc từ một số phụ nữ và các cáo buộc liên quan bao gồm lừa đảo.
Theo CTV Toronto, một thập kỷ trước, hắn từng bị kết tội lừa đảo trong các vụ lừa đảo hẹn hò trực tuyến khác. Người phát thanh viên đã nói chuyện với một số phụ nữ từng hẹn hò với ông Mulder và tìm thấy nhau trên mạng xã hội.
Ông Jeff Horncastle nói: “Những kẻ lừa đảo tiếp cận 'con mồi' bằng cảm xúc. Trung tâm của chúng tôi đang nhận được ngày càng nhiều thông tin phản ánh về những kẻ lừa đảo gửi nhắn với nội dung: 'Em có khỏe không?'. Tin nhắn đến các số điện thoại ngẫu nhiên để bắt chuyện, ngay cả khi người nhận thừa nhận rằng người đó đã nhầm số".
Ông cũng đưa ra một số mẹo để luôn cảnh giác, chẳng hạn như không bao giờ chấp nhận yêu cầu kết bạn trên Facebook từ những người mình không quen biết; không bao giờ nhấp vào liên kết từ những email lạ, mặc dù thoạt nhìn chúng có vẻ uy tín.
Giờ đây, những kẻ lừa đảo có xu hướng đặc biệt chú ý đến người cao tuổi. Trong một trường hợp gần đây do CTV Calgary đưa tin, một góa phụ 68 tuổi ở tỉnh Ontario đã mất khoảng 800.000 đô la Canada (tương đương hơn 141 triệu đồng), số tiền tiết kiệm cả đời của bà, trong một vụ lừa tình lừa tiền. Sau đó, bà buộc phải chuyển đến thành phố Calgary, tỉnh Alberta để sống gần con trai hơn.
Ông Horncastle cho biết thêm: “Điều quan trọng là mọi người phải cảnh báo cho các thành viên gia đình hoặc người thân của mình về những chiêu trò lừa đảo mới xuất hiện hoặc những mánh khóe mà những kẻ lừa đảo đang sử dụng. Đôi khi chúng dành cả một thời gian dài để dụ dỗ 'con mồi', không phải trong chốc lát mà được".
Matthew McGuire, một chuyên gia chống rửa tiền và nhà đồng sáng lập của The AML Shop, một công ty tư vấn ở Toronto, cho biết trước đại dịch Covid-19, hầu hết các trường hợp lừa đảo xảy ra đều khá đơn giản.
Tuy nhiên, ngày nay, những mánh khóe lừa đảo đã trở nên tinh vi hơn. Những kẻ lừa đảo thậm chí còn hướng dẫn nạn nhân làm các thao tác tại quầy ngân hàng để giảm bớt sự nghi ngờ.
Nó đã xảy ra với Li Zheng. Một kẻ lừa đảo tự xưng là người của lãnh sự quán Trung Quốc đã liên lạc với cô, cáo buộc cô rửa tiền và gửi lệnh bắt giữ giả đến nhà cô để gây áp lực buộc cô phải chuyển 69.000 đô la qua Ngân hàng Trung Quốc ở Canada.
Các giao dịch trên 10.000 đô la Canada sẽ gửi báo cáo đến cơ quan tình báo tài chính của Canada và một nhân viên tuân theo quy tắc nội bộ tại ngân hàng nên đã hỏi Li Zheng về mối quan hệ của cô với người nhận. "Cô ấy không trả lời nhưng trông có vẻ lo lắng và căng thẳng", theo hồ sơ của tòa án.
Ngân hàng đã tiến hành chuyển khoản. Cô chỉ nhận ra đó là một mánh khóe sau khi đọc các bản tin về kiểu lừa đảo này.
Tháng trước, Tòa phúc thẩm British Columbia đã cho phép tiến hành vụ kiện của cô Li Zheng chống lại Ngân hàng Trung Quốc (Canada). Theo đó, Toà án cho rằng ngân hàng có thể đã biết về âm mưu lừa đảo nhưng không cảnh báo khách hàng của mình nên vụ kiện nên được tiến hành.
Tương tự như Todd, khi cô nhận ra sự thật thì đã quá muộn. Todd nói rằng cô cảm thấy mình có ít lý do để nghi ngờ câu chuyện của tên Jon vì chiếc xe tải của anh ta được trang trí bằng logo mà hắn nói là công ty của mình, và cô đã nhìn thấy anh ta làm việc tại một cuộc triển lãm ngựa.
“Đó là một cảm giác kinh khủng”, cô nói. “Việc tin tưởng ai đó một lần nữa và bắt đầu hẹn hò trở lại, đối với tôi, là điều gần như không thể".