pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Giải cứu” thổ cẩm truyền thống giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch
Chị Vi Thị Thuận (áo xanh) dạy nghề cho chị em trong cở sở bảo trợ
Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hoà, Bản Lác, Xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình do chị Vi Thị Thuận (dân tộc Thái) thành lập, là nơi nương tựa cho nhiều phụ nữ và trẻ em tật nguyền, phụ nữ đơn thân, hoàn cảnh khó khăn người dân tộc thiểu số. Sau nhiều năm gom góp, tích lũy, chị Vi Thị Thuận đã gây dựng được một mái ấm đưa họ về sống tập trung, cho họ một công việc ổn định.
Nguồn thu nhập chính của cơ sở là homestay và xưởng thủ công Hoa Ban+, nơi những chị em trong mái ấm làm ra các sản phẩm thổ cẩm thêu tay truyền thống, phục vụ khách du lịch tại khu du lịch bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và cung cấp ra thị trường trong, ngoài nước.
Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hoà, Bản Lác, Xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, là mái ấm của trẻ em và phụ nữ khuyết tật, phụ nữ khó khăn, phụ nữ đơn thân...
"Dịch bệnh Covid-19 ập đến, cuộc sống, công việc của chị em ở đây căng lắm. Ngành du lịch bị đình trệ. Chị em trong cơ sở bảo trợ ở nhà thì không có việc làm, mà sang xưởng làm thì thổ cẩm làm ra cũng không bán được. Từ Tết đến giờ, các chị em chưa có lương. Thương lắm!"- chị Vi Thị Thuận nghẹn ngào chia sẻ cùng PNVN.
Là người đứng đầu Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hoà, chị Vi Thị Thuận cho biết, số chị em có hoàn cảnh khó khăn tham gia mái ấm ngày một đông lên. Với các chị em khuyết tật nặng, chị Thuận bảo trợ từ A-Z. Hiện nay, còn đến 30 chị em đang ở tại cơ sở. Nguồn thu không có, chị Thuận luôn phải tìm cách xoay sở cuộc sống cho các chị em.
Vất vả hơn nữa, trong thời gian dịch bệnh, chị còn phải gồng lên để trả tiền gốc và lãi ngân hàng. Đó là khoản tiền năm ngoái chị vay để đầu tư làm xưởng dệt may và chỗ ở cho các chị em có chỗ làm việc ổn định. Đầu tư xong thì dịch bệnh ập đến. Nào có ngờ, chị Thuận cố giấu tiếng thở dài khi chia sẻ. Khó khăn lắm, không có tiền để trả lương cho các chị em. Tiền điện cũng đang phải nợ bên điện lực.
Chị Vi Thị Thuận rất mong bạn đọc báo PNVN, cộng đồng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để giúp chị em khuyết tật, phụ nữ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn có công việc ổn định, duy trì cuộc sống, vượt qua đại dịch.
Một số sản phẩm thổ cẩm truyền thống được làm thủ công của xưởng Hoa Ban+
- Các sản phẩm thổ cẩm do xưởng Hoa Ban+ sản xuất đều là các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, thủ công như khăn quàng, ba lô, túi xách, ví thời trang, gấu bông, đồ lưu niệm… có giá bán từ 100.000 đồng.
Địa chỉ tham khảo sản phẩm: http://hoabanplus.com/
- Mọi đóng góp, ủng hộ, liên hệ: Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hoà, Bản Lác, Xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, ĐT: 0943.157000 hoặc 0972.811364.