"Giai đoạn này nếu không làm tốt, dịch Covid-19 sẽ bùng lên như các nước"

Linh Trần
06/04/2020 - 12:19
"Giai đoạn này nếu không làm tốt, dịch Covid-19 sẽ bùng lên như các nước"

Xe vận chuyển bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

"Các ca trong cộng đồng là điều cần quan tâm ở thời điểm này. Chúng ta cần phải xem diễn biến trong cộng đồng như thế nào, bởi thời gian qua, đã có một số ca trong cộng đồng đáng lo ngại như trường hợp bệnh nhân số 237", PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết.

Sáng ngày 6/4, Bộ Y tế cho biết chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm COVID-19. Đây là buổi sáng thứ 2 liên tiếp không có trường hợp hợp nhiễm COVID-19 mới được thông báo. Từ ngày 5/4 đến hôm nay, Việt Nam chỉ có 1 ca mắc mới- điều này cho thấy, số người nhiễm COVID-19 đã giảm dần.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay các ca mắc mới giảm bởi chúng ta đã tập trung giám sát các ca bệnh nhập cảnh. Đến nay, số người nhập cảnh đã giảm hẳn và số ca mắc được ghi nhận trong nhóm này cũng giảm.

Tuy nhiên, PGS Phu cũng cho rằng, các ca trong cộng đồng bây giờ mới là điều cần quan tâm. Chúng ta cần phải xem diễn biến trong cộng đồng như thế nào, bởi thời gian qua, đã có một số ca trong cộng đồng đáng lo ngại như trường hợp bệnh nhân số 237. "Giai đoạn này là quyết định. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước", ông Phu nói.

Số người nhiễm COVID-19 giảm: Các ca trong cộng đồng mới là mối quan tâm thời điểm này - Ảnh 1.

Các cơ sở y tế tăng cường kiểm soát thân nhiệt để phân luồng trước khi bệnh nhân vào viện

Cũng theo PGS. Trần Đắc Phu, trong thời gian quyết định này, người dân tuyệt đối không được lơi lỏng, vẫn phải giữ vững tinh thần "chống dịch như chống giặc". Hiện, nhiều người chưa ý thức được tình hình, vẫn đi lại, không thực hiện giãn cách xã hội.

PGS Phu khẳng định, để dịch không bùng phát, người dân cần phải nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội và làm theo những khuyến cáo từ Bộ Y tế như không tiếp xúc gần; không đi ra ngoài khi cảm thấy không thực sự cần thiết; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng; luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc và luôn đứng cách xa người khác 2m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn. "Cần sự tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân, từng gia đình, từng cơ quan. Thực tế, chúng ta đang không biết ai nhiễm bệnh, ai không", PGS. TS Trần Đắc Phu lo ngại.

Theo Bộ Y tế, đến 7h30, ngày 6/4/2020 trên thế giới có 1.272.860 trường hợp mắc, trong đó 69.424 người tử vong. Còn tại Việt Nam, đã có 241 người mắc, trong đó 91 người đã được chữa khỏi. Số còn lại đang tiếp tục được cách ly, theo dõi tại BV.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 khuyến cáo

Cả nước đã thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly toàn xã hội trong 5 ngày qua. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo khuyến cáo người dân những thói quen cần thay đổi trong mùa dịch COVID-19:

1. Trước gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay.

2. Trước hay vô thức đưa tay lên mặt, nay không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

3. Trước về tới nhà là sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa.

4. Trước ăn xong đánh răng là đủ, nay thêm súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

5. Trước hay giao lưu gặp gỡ, nay không mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác.

6. Trước ốm đau đến ngay BV, nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn.

7. Cuối cùng, tự giác và nhắc nhau thực hiện các quy định và khuyến cáo phòng chống dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm