Giải pháp nào tăng cơ hội việc làm cho lao động nữ chuyên môn thấp?

Đình Hưng
15/07/2021 - 10:56
Giải pháp nào tăng cơ hội việc làm cho lao động nữ chuyên môn thấp?

Ảnh minh họa: Trường Hùng

Những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng tác động của đại dịch Covid-19 khiến lao động nữ, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn thấp, phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn bao giờ hết.
Lo lắng trước rủi ro mất việc

Cuối tháng 6 vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TPHCM, chị Nguyễn Huỳnh Linh, công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam (TPHCM), đã quyết định xin nghỉ việc 1 tháng để cùng với gia đình về quê. Từng có thời gian dài gắn bó với công ty, thế nhưng, trong bối cảnh dịch Covid-19, chị Linh càng cảm nhận rõ hơn rủi ro mất việc khi kiến thức, kỹ năng của mình hạn chế.

"Thu nhập trung bình mỗi tháng của tôi khoảng 8 triệu đồng. Tôi dự định khoảng 2-3 năm nữa, khi mình ngoài 35 tuổi sẽ về quê ở Quảng Ngãi để tìm công việc khác. Nhưng làm thế nào để tìm được một công việc mới ở tuổi đó, trình độ lại hạn chế thực sự là một câu hỏi khó. Tôi mong muốn được học một nghề mới để dễ dàng tìm kiếm việc làm khi trở về quê hương", chị Linh chia sẻ.

Chị Lê Thị Nguyệt (36 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) hiện làm việc cho một công ty sản xuất nước uống. Trong 10 năm lập nghiệp tại TPHCM, chị đã chuyển chỗ làm 3 lần. Sau những lần đi tìm kiếm việc làm, chị nhận thấy rằng, ngoài vấn đề tuổi tác, các công ty giờ đây cũng đòi hỏi ngày càng cao vào trình độ, kỹ năng của người lao động. "Ngoài yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm thì các công ty tuyển dụng cũng yêu cầu người lao động cần có các kỹ năng mềm. Nếu như không được đào tạo, học hỏi liên tục thì sẽ ngày càng khó đáp ứng được sự khắt khe của thị trường lao động. Việc thay đổi việc làm ngày càng khó chứ đừng nói đến việc làm có thu nhập cao", chị Nguyệt tâm sự.

Theo báo cáo nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam được công bố hồi tháng 3/2021, đại dịch Covid-19 đã gây nên hệ quả là tổng số thời giờ làm việc sụt giảm đáng kể trong quý II năm 2020 và mới chỉ được phục hồi trong nửa cuối năm 2020. Phụ nữ là đối tượng phải chịu tổn thất về thời giờ làm việc nặng nề nhất. Tổng số giờ làm hàng tuần của phụ nữ trong quý II năm 2020 chỉ bằng 88,8% tổng số giờ làm của họ trong quý IV năm 2019. Con số này ở nam giới là 91,2%. Đại dịch Covid-19 không chỉ làm gia tăng những bất bình đẳng vốn hiện hữu trong thị trường lao động Việt Nam mà còn tạo nên những bất bình đẳng mới. Trước đại dịch, hầu như không có sự chênh lệch trong tỷ lệ thất nghiệp giữa nam giới và phụ nữ nhưng tình trạng này đã xuất hiện từ quý III năm 2020.

Nhiều hoạt động hỗ trợ lao động nữ cần chuyển đổi công việc

Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương, cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những thách thức không nhỏ đối với lao động nữ, nhất là lao động nữ trên 35 tuổi. Theo bà Nga, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Bình Dương đã chủ động triển khai nhiều hoạt động để nâng cao kỹ năng, cũng như giới thiệu việc làm cho lao động nữ. Cụ thể, Hội đã tiến hành rà soát, phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Đại học Thủ Dầu Một... để đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ trên 35 tuổi.

Giải pháp nào tăng cơ hội việc làm cho lao động nữ chuyên môn thấp? - Ảnh 1.

Những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng tác động của đại dịch Covid-19 khiến lao động nữ, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn thấp, phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn bao giờ hết.

Hội LHPN tỉnh cũng phát huy vai trò của các chi/tổ Hội tại các khu nhà trọ công nhân, câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ để rà soát, thống kê những chị em có nhu cầu việc làm sẽ đào tạo, giới thiệu việc làm. Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ cũng thực hiện việc kết nối, phối hợp để giới thiệu việc làm lao động nữ. Bên cạnh đó, Hội Nữ doanh nhân đẩy mạnh hỗ trợ việc làm cho lao động nữ cần chuyển đổi công việc phù hợp với nhu cầu, độ tuổi.

"Thực trạng việc làm hiện nay của lao động nữ cho thấy trình độ, năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của nhiều lao động nữ còn thấp. Định hướng nghề nghiệp đối với phụ nữ vẫn theo hướng truyền thống như các ngành dệt may, giày da, uốn tóc, dịch vụ gia đình... Phần lớn lao động nữ làm việc trong điều kiện chưa được cải thiện, thời gian lao động kéo dài, việc làm bấp bênh, rủi ro cao", ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhận định.

Để tăng khả năng thích ứng của lao động nữ trước những tác động của đại dịch cũng như thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, cần có hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ tại các địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, cần tập trung việc hướng nghiệp, nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề để lao động nữ có điều kiện thích nghi và hòa nhập với cơ chế thị trường; tạo điều kiện cho chị em nâng cao kiến thức, tiếp cận thị trường lao động, am hiểu pháp luật lao động... Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là sự chủ động của cá nhân người phụ nữ, phải nỗ lực, có ý chí vươn lên.

(Còn nữa)

Nâng cao quyền năng kinh tế có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đang đặt ra, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 7/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm