pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lao động nữ trung niên nơm nớp nỗi lo mất việc
"Chỉ lo mình có tuổi rồi, công ty không nhận vào làm"
Đó là chia sẻ của chị Bùi Thị Xường, 40 tuổi, quê ở Lạc Sơn, Hòa Bình. Chị Xường từng làm công nhân cho một công ty ở Khu công nghiệp Bắc Ninh được 3 năm nay, sau đó có thêm con thứ ba. Do mang bầu, điều kiện làm việc không tốt cho sức khỏe thai phụ nên chị Xường quyết định nghỉ làm, về quê trồng lúa và rau mưu sinh qua ngày. Chị kể, làm công nhân tuy vất vả nhưng dù sao có đồng lương ổn định, biết chi tiêu thì đỡ phải đau đầu việc lo kiếm tiền ăn cho con. Giờ về quê, chăm con mọn, thu nhập từ làm nông bấp bênh khiến chị chật vật hơn. Ba đứa con, ngoài cháu bé mới sinh thì hai đứa lớn đều đang tuổi đi học (lớp 6 và lớp 1), chồng chị làm thuê, nay đây mai đó, cũng bấp bênh không khác gì vợ. "Tôi vẫn muốn khi con cứng cáp một chút, gửi được ai trông hộ hoặc cho con đi lớp sẽ quay trở lại tìm việc làm. Nhưng tôi chỉ lo có tuổi rồi, công ty người ta không nhận", chị Xường vừa kể vừa thở dài thườn thượt.
Nuôi con, nuôi cả cháu
Chị Nguyễn Lệ Hường (49 tuổi) hiện là công nhân của Khu công nghiệp Phú Minh (Cổ Nhuế, Hà Nội). Người phụ nữ này đang làm trong dây chuyền đóng gói của một công ty. Công việc tuy không nặng nhọc, độc hại, song nguồn thu nhập không cao, cộng với gánh nặng kinh tế gia đình khiến chị trở nên kiệt quệ. Bộ phận nơi chị Hường làm việc chỉ có khoảng 3-4 người ở độ tuổi trung niên, còn lại đều là nữ thanh niên. "Tôi bắt đầu thấy đau mỏi khắp người, lưng như muốn gãy mỗi lần tăng ca, trái gió trở trời cũng hay ốm vặt, lại phải xin nghỉ sớm, cắt ca. Vì nuôi con, nuôi cháu nên vợ chồng tôi bảo nhau phải cố gắng!", chị chia sẻ.
Gia đình chị Hường ở Nam Định. Con trai cả của chị lấy vợ sớm, công việc không ổn định, lại sinh con dày nên vợ chồng chị (hiện đều làm công nhân) quyết định đưa cháu nội lên Hà Nội ở cùng mình. Con trai thứ hai đang học đại học. Chị đóng học phí cho con theo kỳ, cứ mỗi kỳ 12 triệu đồng, chưa kể tiền xăng xe. Tiền học của cháu nội, cả học phí lẫn ăn uống, tiền sữa tính ra mỗi tháng gần 4 triệu đồng. Lương của hai vợ chồng công nhân, nếu chịu khó làm tăng ca thì tổng thu nhập mỗi người khoảng 8 triệu đồng, còn bình quân 5-6 triệu đồng. Để chi tiêu đủ các khoản kể trên với chị Hường là vô cùng chật vật. "Nhiều lúc bỏ tiền ra mua sữa, mua thuốc bồi bổ cho bản thân mà phải nâng lên đặt xuống, ăn tiêu tiết kiệm để làm sao co kéo được cho cả nhà. Giờ chỉ mong sao có sức khỏe. Công ty dù sao vẫn tạo điều kiện cho tôi làm việc. Họ cũng nói rõ, khỏe thì tiếp tục làm, còn không đảm bảo được công việc thì mới nghỉ chứ như nơi khác có lẽ thấy mình hay ốm đau, có tuổi thế này lại "dọa" đuổi việc suốt thôi", chị Hường bộc bạch.
"Cánh cửa hẹp"
Theo số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, vì dịch bệnh Covid-19, chỉ tính đến giữa năm 2020, hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm, trong đó đa phần là mất việc. Thống kê của cơ quan này cho thấy, sau khi bị sa thải, hơn 40% số lao động làm công việc tự do. Riêng đối với lao động nữ, có hơn 80% lựa chọn công việc là bán hàng rong.
Thực tế cho thấy, trong số này, lao động tuổi trung niên trở thành nhóm chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất. Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động toàn thành phố, dẫn số liệu, hiện trung tâm có 7 chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp. Trung bình cao nhất một ngày có thể nhận 1.200 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm 2020 được ghi nhận là năm có số lượng hồ sơ cao nhất trong 10 năm kể từ khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Lao động trung niên, trong đó có lao động nữ hiện là công nhân ở cách ngành nghề, không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc, sa thải mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc bắt đầu một công việc mới.
Để bảo đảm việc làm bền vững cho lao động nữ trung niên, trước tiên cần cải thiện chất lượng, chương trình đào tạo nghề hiện nay, giúp lao động nữ mất việc được đào tạo, đào tạo lại, nâng cao cơ hội tiếp cận việc làm mới. Hoạt động đào tạo cần gắn chặt với nhu cầu tuyển dụng, thị trường lao động, tránh tình trạng được đào tạo nhưng lại không được sử dụng.
Thực tế, tại các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông, lao động giản đơn, không đòi hỏi quá cao về trình độ kỹ năng. Điều này khiến nhiều lao động chưa chủ động học tập, nâng cao tay nghề. Cùng với đó, thúc đẩy các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của công nhân, lao động nữ chủ động tiếp cận các chính sách, chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề.
Về phía chủ sử dụng lao động, cần có những biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động. Đặc biệt là tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động, trong đó tăng cường trách nhiệm thực thi việc ký hợp đồng lao động; tuân thủ các quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động để có thể chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của bản thân thông qua hợp đồng lao động, hoặc thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan tới người lao động.
Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp khó khăn. Vì vậy, chính sách của Nhà nước cần tiếp tục duy trì và tăng sự hỗ trợ cho doanh nghiệp tồn tại, phát triển, qua đó có thể tạo nhiều việc làm hơn và đảm bảo an sinh cho người lao động”.
Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng
Tại Vĩnh Phúc, địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất của khu vực phía Bắc, dù nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp rất lớn, song lại có sự lựa chọn cân nhắc về lứa tuổi. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm. Trong đó, có 225 doanh nghiệp đăng ký tham gia với nhu cầu tuyển dụng là hơn 10.500 vị trí việc làm. Tuy nhiên, với những lao động đã có tuổi, cơ hội tìm kiếm việc làm lại rất mong manh bởi thực tế, nhiều công ty từ chối tuyển dụng lao động ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là lao động nữ.
Ông Hà Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: "Dù nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn giữ nguyên tắc là không tuyển dụng lao động ngoài 40 tuổi. Theo họ, nhiều lao động lớn tuổi không còn nhanh nhẹn, sức khỏe giảm sút khiến năng suất lao động không cao, khó đáp ứng tác phong công nghiệp". Cũng theo ông Hà Văn Cường, một lý do nữa là do phải trả cho nhóm đối tượng này chi phí bảo hiểm xã hội, mức lương cao hơn do chính sách thâm niên nên hầu hết doanh nghiệp đều ưu tiên sử dụng lao động trẻ, hiệu quả lao động cao mà tiền lương, chế độ lại thấp hơn.
"Cánh cửa" việc làm cho lao động phổ thông lớn tuổi, đặc biệt là lao động nữ, vì thế ngày càng hẹp. Nếu mất việc, họ chỉ còn lựa chọn là buôn bán tự do, làm ruộng, làm thuê...