pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giảm bạo lực giới từ tập huấn kỹ năng cho cán bộ phụ nữ nòng cốt
Hội LHPN huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) trong buổi tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình
Hiểu rõ điều này, trong nhiều năm qua, Hội LHPN huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) đã chú trọng triển khai nhiều lớp tập huấn, nhằm cung cấp kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ nữ nòng cốt các xã, thị trấn để tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực giới, nhất là bạo lực gia đình được hiệu quả.
Thời gian qua, người dân ở thôn Cầu Đào, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình không còn nghe thấy tiếng la hét, cãi cọ từ hộ gia đình chị Đỗ Thị Ngà như trước kia. Do mẫu thuẫn gia đình, vợ chồng chị không mấy hòa thuận. Đã nhiều lần hai vợ chồng chị xảy ra xung đột, thậm chí còn diễn ra bạo lực trong mỗi trận cãi vã. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hôn nhân, hạnh phúc của hai vợ chồng chị Ngà, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của con cái.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, cán bộ Hội phụ nữ thôn Cầu Đào đã nhiều lần đến hòa giải, phân tích giúp vợ chồng chị Ngà gỡ dần những nút thắt trong quan hệ vợ chồng, giải quyết những nguyên nhân dẫn đến xung đột. Đến nay, gia đình chị Ngà đã êm ấm, bình an. Người dân thôn xóm cũng được yên ả.
Không chỉ có gia đình chị Ngà được cán bộ hội quan tâm, hòa giải, mà còn nhiều chị em phụ nữ được "giải phóng" khỏi bạo lực gia đình nhờ sự tận tâm của cán bộ Hội phụ nữ từ thôn, xã, đến huyện.
Chia sẻ về những thành quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bà Trần Thị Hoa – Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Bình cho biết, Hội đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm chống bạo lực giới, và một trong những cách hiệu quả nhất đó chính là tập huấn cho cán bộ phụ nữ nòng cốt kiến thức để giải quyết mâu thuẫn cho gia đình hội viên từ cơ sở.
Thông qua các lớp tập huấn, cán bộ hội, các học viên được truyền đạt những nội dung cơ bản trong hoạt động trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực giới như: nhận diện bạo lực giới; các hình thức bạo lực; các nguyên tắc hỗ trợ nạn nhân; các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân; quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân bạo lực giới; tư vấn tâm lý và hỗ trợ ban đầu; hướng dẫn các kỹ năng tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới.
Hiện nay, vấn đề bạo lực gia đình rất phức tạp về phương thức, như bạo lực tinh thần bạn đời, bạo lực mạng, tin nhắn, bạo lực tinh thần con cái… Vì vậy, Hội LHPN huyện đã luôn cập nhật các tình huống mới trong vấn đề bạo lực, bàn bạc cùng đơn vị phối hợp để đưa ra những chương trình tập huấn sát với thực tế, có chiều sâu và đi thẳng vào các tình huống, cách xử lý. Chính điều này đã giúp cán bộ phụ nữ nòng cốt xã, thị trấn được thực hành, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm của Hội LHPN huyện Gia Bình trong công tác phòng, chống bạo lực giới với hiệu quả rõ nét nhất.
"Chúng tôi trao quyền cho các thành viên để trở thành tình nguyện viên trong cộng đồng; phá vỡ sự im lặng và sẵn sàng lên tiếng về tình trạng bạo lực trên cơ sở giới có liên quan tới bạo lực gia đình; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực cho chị em phụ nữ", bà Trần Thị Hoa nhấn mạnh.
Theo bà Trần Thị Hoa, tình trạng bạo lực gia đình luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Tuy có thể làm giảm những vụ việc nghiêm trọng nhưng vấn đề này vẫn âm thầm xảy ra trong đời sống gia đình mỗi hội viên. Vì thế, Hội không chỉ chú trọng tập huấn cho cán bộ hội, mà còn qua cán bộ hội, truyền tải kiến thức cho chị em phụ nữ để phòng, tránh, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình.
Trong các chương trình tập huấn tới đây, Hội sẽ liên tục đổi mới nội dung cũng như cách thức để truyền tải tới hội viên. Các buổi tập huấn sẽ được tổ chức sâu xuống từng cơ sở, từ xã, thị trấn, các chi hội cho đến các câu lạc bộ có đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.