pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giảm sử dụng túi nylon dựa trên sự tự nguyện của khách hàng
"Chương trình này bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 10/2022, đến nay đã gửi được hơn 1 triệu đồng cho hoạt động bảo vệ môi trường. Tức là hơn 1.000 túi nylon đã không được sử dụng. Tôi thực hiện chương trình dựa trên sự tự nguyện của khách hàng, nên không có ai phàn nàn mà còn nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tôi mong nhiều doanh nghiệp khác sẽ thực hiện chương trình tương tự và có thêm nhiều người hạn chế sử dụng túi nylon khi họ biết rằng đóng góp của mình có ý nghĩa", chị Lâm Thi cho biết.
Nông trại của chị Thi trồng rau thủy canh, quy cách đóng gói là dùng màng nylon bọc thực phẩm để quấn gọn phần rễ, chia rau thành từng phần khoảng 0,5kg và dùng thêm 1 túi nylon để chứa phần rau đó. Với mỗi phần rau có trọng lượng 0,5kg trung bình sẽ tốn 3-4 màng nylon bọc thực phẩm. Cá nhân chị không muốn sử dụng bao bì nylon nhưng hiện chưa có biện pháp nào thay thế quy cách đóng gói nói trên mà vẫn đảm bảo được sự tiện lợi của sản phẩm. Nhiều người gợi ý, sao chị không sử dụng túi phân hủy sinh học? Chị Lâm Thi cho biết, túi phân hủy sinh học có chứa nhựa thì cũng không khác mấy túi nhựa 100%, còn túi phân hủy hữu cơ thì lại quá mỏng, chưa kể giá thành cao.
"Hiện chúng ta đang bảo vệ môi trường bằng nhiều cách, bao gồm cả nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế xanh. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đặt tiêu chí sản phẩm thân thiện với môi trường và đã có những cộng đồng sống "xanh" khá lớn. Điều này thật tuyệt vời. Tuy nhiên, bên cạnh tiêu chí bảo vệ môi trường, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo tiêu chí kinh tế. Vì vậy không phải doanh nghiệp nào cũng đặt tiêu chí sản phẩm thân thiện là mục tiêu số 1. Lúc này, họ sẽ hướng đến ý thức của cộng đồng bằng nhiều biện pháp. Giống như Jolly Farm của chúng tôi khuyến khích khách hàng nhận sản phẩm không kèm túi đựng nylon để đóng góp vào quỹ bảo vệ môi trường", chị Lâm Thi chia sẻ.