Giang hồ xưa “gác kiếm”

Trí Minh
10/02/2020 - 19:00
Giang hồ xưa “gác kiếm”
Lầm đường lạc lối, theo cuộc đời giang hồ sóng gió, ra tù vào tội nhưng sau những biến cố quan trọng trong cuộc đời, họ đã “gác kiếm” trở về sự dung dị và tích cực làm từ thiện.

"Võ sĩ bất bại" mở tiệm Đông y

Chà Và Hương là một võ sĩ khét tiếng Sài Gòn xưa và gắn liền với các tên tuổi lớn của giới giang hồ trước 1975 như Đại Kathay hay Minh "Cầu Muối".

Chà Và Hương tên thật là Ngô Văn Hương, sinh năm 1940 tại đất Long Xuyên thuộc An Giang và lớn lên ở miệt Hóc Môn, xưa thuộc tỉnh Gia Định. Ông là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh em. Cha là người Ấn Độ nên cậu bé lai cũng có nước da ngăm đen rất đặc trưng. Người miền Nam thường gọi người Ấn là Chà Và, cậu bé Ngô Văn Hương bị gọi "chết tên" là vì thế.

Bỏ học, Chà Và Hương theo đám trẻ bụi đời đánh giày kiếm tiến, lang bạt khắp các tỉnh. Một lần, tại Tây Ninh, vì muốn kiếm tiền nên Chà Và Hương đã lên võ đài đấu với một võ sĩ là đệ tử của võ sư Cao Thành Sang và bị võ sĩ này đánh cho tơi tả. Năm đó, 14 tuổi mà Chà Và Hương nhỏ thó, nặng chỉ 37kg. 

Trận thua thừa chết thiếu sống đã thôi thúc Chà Và Hương tìm gặp võ sư bất bại thời bấy giờ Mousetaza để bái sư. Ông được dạy các tuyệt chiêu Long Hổ Hội và tìm học các môn phái võ khác nhau. Trong những lần thượng đài từ miền Tây đến các tỉnh miền Đông, từ Tây Nguyên ra miền Trung, Chà Và Hương chưa một lần nào thất bại.

Giang hồ xưa “gác kiếm” - Ảnh 1.

Hương Chà Và (phải) và Thành “trọc”

Ngoài 30 tuổi, ông quyết định đánh một trận thật lớn rồi giải nghệ, bèn thách đấu võ sư Hà Trọng Sơn ở Quy Nhơn. "Hùm xám miền Trung" nhận lời nhưng cho con trai thượng đài. Con trai liên tiếp dính đòn hiểm sau khi trận đấu bắt đầu, khiến ông trùm võ Quy Nhơn rút khăn trắng xin thua cho con.

Sau trận đánh, Chà Và Hương về mở lò dạy võ ở Bình Thạnh và tham gia bảo kê nhà hàng, sòng bạc ở Sài Gòn. 5 đệ tử giỏi võ của ông là Phi Long (Tạ Văn Hường), Phi Hổ (Lê Văn Hậu), Phi Hải (Lê Văn Phước), Phi Hùng (Lâm Văn Phi) và nữ võ sĩ Cẩm Hồng được giới giang hồ đặt là "ngũ hổ tướng". Họ bảo kê hầu hết các quán bar trên đường Tự Do (Đồng Khởi ngày nay)… Cuộc chiến giành lãnh địa giữa các băng giang hồ từng đánh bạt Chà Và Hương và đệ tử về tận Biên Hòa.

Sau giải phóng, Chà Và Hương hướng thiện dù quay trở lại nghiệp võ. Ông từng làm cố vấn cho Hội Võ cổ truyền TPHCM, rồi mở tiệm thuốc Đông y ở Củ Chi…

"Rửa tay gác kiếm" làm nghệ sĩ nhiếp ảnh

Sinh ra ở huyện Củ Chi, từ nhỏ Nguyễn Phước Thành đã được mẹ nuông chiều. Thành từng bị mẹ dùng dây xích trói để cấm đi chơi lêu lỏng, phá phách. Dạy con không nổi, bà mẹ gửi con lên nhà ông cậu ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng con càng hư hơn.

Đang học lớp 2, Thành bỏ học để lêu lỏng, "ngang dọc" với các vụ đánh lộn và đâm chém ở Sài Gòn, vào tù ra khám liên tục, tóc luôn bị cắt trọc. Biệt danh "Thành trọc" có từ đó.

"Thành trọc" vẫn có nguyên tắc khí khái và tử tế riêng trên giang hồ là không bao giờ đi cướp hay gây tội ác với người phụ nữ đang mang thai, những phụ nữ đang chở trẻ nhỏ hay người già trên xe… "Thành trọc" từng có ý định rửa tay gác kiếm khi vợ mang bầu nhưng thúc bách của công cuộc mưu sinh đã mau chóng làm phai mờ ý định đó.

Giang hồ xưa “gác kiếm” - Ảnh 2.

Ảnh Hoa sen do nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh, tức Thành “trọc”, sáng tác

Lang bạt từ năm 8 tuổi, 16 năm tù qua 15 trại giam, Thành từng là nỗi ám ảnh của học viên và cán bộ quản giáo các trại. Ngày mẹ mất, Thành đang trong trại giam Xuyên Mộc, không thể về nhìn mẹ lần cuối hay chịu tang. Biến cố này đã làm Thành thay đổi, quyết định cải tà hoàn lương.

Bỏ quá khứ tù tội sau lưng, đại ca giang hồ Nguyễn Phước Thành theo học và trở thành nhiếp ảnh gia có tên tuổi với nghệ danh Thành Xuân Anh. Ông đã có hơn chục triển lãm ảnh với sen và tình mẫu tử là chủ đề chính. Ông tâm sự: "Sen vươn lên từ bùn đất nhưng mang trong mình vẻ đẹp thanh cao và tỏa hương thơm ngát. Tôi từng gây tội nhưng quyết tâm hoàn lương, cố gắng lương thiện để giúp cho đời".

Thành Xuân Anh cũng mở chuỗi nhà hàng bò tơ Củ Chi. Lợi nhuận từ bán ảnh và kinh doanh nhà hàng phần lớn dành cho việc thiện. "Tôi làm từ thiện không phải vì danh lợi hay tiếng tăm cho bản thân, mà tôi làm với tâm nguyện hồi hướng công đức cho cha mẹ ở nơi chín suối", anh tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm