Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh, để duy trì một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc vô cùng khó khăn. Nếu cuộc sống hôn nhân đổ vỡ sẽ ảnh hưởng đến sự thành bại trong cuộc đời mỗi cá nhân rất lớn. Do vậy, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam tập trung chỉ đạo thực hiện dự án 3 Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc trong khuôn khổ đề án 279 của Chính phủ về “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020” bằng hoạt động thiết thực như: xây dựng tài liệu giáo dục tiền hôn nhân, xây dựng góc tư vấn về hôn nhân gia đình, xây dựng mô hình CLB Gia đình hạnh phúc, chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, về dân số - kế hoạch hóa gia đình…
Ông Nguyễn Thanh Hảo, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương, cho biết, mô hình giáo dục tiền hôn nhân cho nam nữ thanh niên đã duy trì hoạt động thường xuyên ở 56/63 tỉnh, thành với 4.664 CLB, có 182.501 thành viên. Các hình thức chính là tư vấn trực tiếp, tổ chức hội thảo, tập huấn cán bộ, xây dựng nội dung tờ rơi, cẩm nang, tổ chức khám sức khỏe và xây dựng nội dung phát thanh. Trong đó, 25.618 buổi phát thanh trên hệ thống loa đài địa phương đã phát huy hiệu quả, đưa được thông tin đến đông đảo người dân địa phương.
Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông-Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, chia sẻ kinh nghiệm mô hình Tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Đó như một cuộc kiểm tra y tế nghiêm túc các cặp sắp kết hôn để xem có mắc các bệnh máu di truyền, các bệnh truyền nhiễm, các nguy cơ xác suất mắc bệnh của con cái trong tương lai... Đây được coi là một bước tiến trong việc tiết kiệm cho xã hội và giúp mọi người tận hưởng cuộc sống. Mô hình được triển khai từ năm 2009 đến 2011, nhân rộng khắp 63 tỉnh/thành. Đối tượng vị thành niên được ưu tiên để giải quyết mục tiêu quan hệ tình dục an toàn trước hôn nhân, giảm tỉ lệ mang thai trong tuổi vị thành niên.
Nói về sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong công tác Giáo dục tiền hôn nhân cho nam nữ thanh niên, ông Trần Hướng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đánh giá: Nếu sử dụng được đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ với các ngành quản lý nhà nước trong công tác gia đình thì hiệu quả tuyên truyền, vận động sẽ được nâng cao.
Việc triển khai giáo dục tiền hôn nhân của Hội LHPN TPHCM là một điểm sáng của 16 tỉnh/thành thí điểm. Bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, giới thiệu 4 chuyên đề tổ chức thành 4 buổi học mà Hội LHPN TPHCM biên soạn ngắn gọn và dễ hiểu. Cách thu hút người tham gia cũng được xã hội hóa, tìm kiếm huy động quà tặng, phiếu nghỉ trăng mật cho các cặp đôi tham gia. Đồng thời, Hội LHPN TP cũng đánh giá hàng năm những người tham gia có ai ly hôn, có vấn đề gì trong hôn nhân để biết được hiệu quả giáo dục tiền hôn nhân trong thực tế.
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPNVN, khi nói về việc phổ biến pháp luật và bình đẳng giới cho nam nữ thanh niên trước khi kết hôn cho biết, giáo dục tiền hôn nhân tập trung vào các nội dung: sức khỏe sinh sản, giáo dục pháp luật và bình đẳng giới chưa bài bản, chưa đồng đều, chưa tạo được sức lan tỏa, thiếu tổng kết. Bà Thanh Cầm cho biết thêm, Hội LHPNVN tiên phong xây dựng các bộ tài liệu cho cán bộ Hội các cấp, luôn đổi mới hình thức tuyên truyền để pháp luật thẩm thấu vào các đối tượng cần tuyên truyền.
Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng, chia sẻ kinh nghiệm phối hợp Chi cục Dân số xây dựng chương trình giáo dục tiền hôn nhân với 56 CLB điểm “Tư vấn và CSSKSS tiền hôn nhân”, có gần 1.700 thành viên trở thành tuyên truyền viên tại cộng đồng. Bên cạnh đó là cách xây dựng chuyên mục Giáo dục tiền hôn nhân trên trang web của Hội LHPN TP hiệu quả.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hương Giang, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ & Phát triển, TƯ Hội LHPNVN, lại đề cập khía cạnh giáo dục tiền hôn nhân cho những đối tượng đặc biệt. Hình thức truyền thông nội dung này qua kênh VOV giao thông cũng là một cách làm hiệu quả, thẩm thấu đến nhiều đối tượng đa dạng. Bà Hương Giang cũng đánh giá cao hiệu quả của Phòng tham vấn học đường. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình, kiến thức chuẩn bị đời sống hôn nhân cho hàng chục trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
Bà Lê Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hải Dương, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của đường dây nóng "cứu các mối tình" và Trung tâm tư vấn kết hôn với người nước ngoài. Với dữ liệu thông tin của các thiếu nữ Việt Nam và nam giới Hàn Quốc, những người có nhu cầu tự tìm hiểu, kết nối trên mạng và gặp thực tế dưới sự giới thiệu, cung cấp thông tin của Trung tâm, có 56 cặp đã làm quen, 8 đôi gặp nhau, 3 cặp kết hôn, 1 đôi vừa xuất cảnh.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của giáo dục tiền hôn nhân để mỗi người công dân hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ nòi giống và xây dựng nguồn lực chất lượng cho đất nước. Đây cũng là cách để đối mặt với thời điểm già hóa dân số trong thời gian sắp tới một cách chủ động và hiệu quả.
Các đại biểu cũng đưa ý kiến cần xây dựng nội dung giáo dục cho nam giới nhiều hơn, có hình thức giáo dục phù hợp cho hai đối tượng nam và nữ một cách cân bằng. Để hoạt động giáo dục tiền hôn nhân thực hiện hiệu quả, liền mạch, cần xây dựng chiến lược cụ thể, có sự phối hợp thực hiện giữa các bộ ngành. Vấn đề chứng nhận tiền hôn nhân có ý nghĩa trong việc kết hôn cũng là một giải pháp thúc đẩy mọi người tham gia học tiền hôn nhân nghiêm túc và chất lượng hơn. Đây thực sự là những thông tin quan trọng, những kinh nghiệm quý báu để TƯ Hội LHPN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình giáo dục tiền hôn nhân, làm cơ sở đề xuất chính sách phù hợp thực tiễn.