Giáo viên cần 'nạp' thêm kiến thức về bình đẳng giới

14/02/2017 - 15:56
Thạc sĩ Nguyễn Tuyết Minh (giảng viên HV Báo chí và Tuyên truyền) nhiều năm nghiên cứu về bình đẳng giới, cho rằng, thay đổi hình ảnh, tranh vẽ trong SGK không khó. Rào cản lớn nhất là quan điểm, định hướng trong cách dạy học sinh về bình đẳng nam nữ.

Trao đổi với Báo PNVN sáng 14/2, Thạc sĩ Tuyết Minh cho rằng, bất bình đẳng giới thể hiện rõ trong sách giáo khoa (SGK) không khó để thay đổi. Sự khó khăn nằm ở chiều sâu của cách thức giảng dạy, dựa trên nền tảng kiến thức, quan điểm và nhận thức của người dạy.

“Nếu chỉ thay đổi nhân vật trong tranh vẽ SGK tiểu học thì quá đơn giản. Bên cạnh chú bộ đội thì thêm vào cô bộ đội, cô y tá có sẵn rồi thì vẽ thêm chú y tá. Thay vì chuyện bà chăm cháu, chị chăm em thì gia tăng hình ảnh đa dạng là cả ông bà, bố mẹ anh chị cùng làm. Nhưng sẽ rất nan giải đối với sách giáo khoa Ngữ văn THPT”, bà Tuyết Minh nhìn nhận

 Thạc sĩ Tuyết Minh tham gia nhiều dự án liên quan đến bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Ảnh FB nhân vật.

Lấy ví dụ về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” (truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, SGK Văn học lớp 12), bà Tuyết Minh cho rằng, cần đặt quan điểm, cách truyền đạt của người dạy với học sinh về vấn đề bạo lực gia đình.

“Ở thời điểm viết nên câu chuyện thì chưa có quan điểm mới về bạo lực gia đình nên có thể thấy bình thường, thậm chí bây giờ người nào chưa có cách nhìn khác về bình đẳng giới thì cũng cho đó là bình thường và chấp nhận được. Nhưng với quan điểm mới, khi quan hệ nam nữ có góc nhìn bình đẳng hơn, thì cách tiếp cận câu chuyện và truyền đạt đến học sinh phải thay đổi”, nữ thạc sĩ này cho hay.

Điều mà bà Tuyết Minh muốn nhấn mạnh là không thể thay đổi được nội dung tác phẩm, càng thiếu khả thi khi “bỏ qua” một giai đoạn văn học Cổ đại, Trung đại kéo dài thấm đẫm nội dung về bất bình đẳng giới.

 Thay đổi nội dung sách, theo bà Tuyết Minh chỉ là phương tiện, cốt lõi phải thay đổi quan điểm, nhận thức của người truyền đạt kiến thức. 

“Cách đơn giản hơn nhiều so với việc lựa chọn tác phẩm thay thế thể hiện sự đa dạng về vai trò giới, quan điểm bình đẳng chính là thay đổi cách cảm thụ tác phẩm đó theo hướng nào, để không làm sai lệch bối cảnh xã hội của câu chuyện trong tác phẩm mà vẫn cập nhật khi soi vào xã hội hiện đại các vấn đề về bình đẳng giới”, bà Minh nêu quan điểm.

Để làm được điều này, song song với việc thay đổi nội dung SGK như một phương tiện, nữ thạc sĩ cho rằng, cần tổ chức tập huấn, bổ sung kiến thức về bình đẳng giới cho người dạy.

“Sự lồng ghép phải thực hiện trong các môn học vì bình đẳng giới là hơi thở cuộc sống, nằm len lỏi trong mọi ngõ ngách, từng nhận thức, thái độ và khuôn mẫu hành vi ứng xử. Theo tôi, cách bền vững nhất chính là lồng ghép bình đẳng giới, nhạy cảm giới và xóa bỏ định kiến trong mọi nội dung của chương trình học.

Điều này cần có lộ trình, tùy từng giai đoạn để xác định công việc trọng tâm, từ khảo sát SGK và chương trình để tìm ra các nội dung, mức độ thay đổi… Sau đó mới thử nghiệm giáo trình xem học sinh, xã hội có chấp nhận không. Nếu thử nghiệm thành công thì tập huấn đại trà cho giáo viên, từ đó mới áp dụng rộng rãi những nội dung cần thay đổi này”, bà Minh khuyến nghị.

Thạc sĩ Nguyễn Tuyết Minh hiện là giảng viên khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội), nhiều năm nghiên cứu sâu các vấn đề về bình đẳng giới, nhạy cảm giới và định kiến về giới. Bà từng có một điều tra xã hội học đáng suy ngẫm về bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5. Kết quả cho thấy:

- Phụ nữ thường tham gia những ngành nghề đơn giản, ít đòi hỏi chuyên môn, trong khi nam giới xuất hiện ở lĩnh vực chuyên môn cao, trí tuệ, sáng tạo như: Nhà nghiên cứu, nhà khoa học… và sức khỏe tốt như bộ đội, công an, thủy thủ, phi công…

- Nữ giới trong nhóm nghề nghiệp trí thức duy nhất được đề cập là giáo viên, ngành nghề, công việc đòi hỏi sự khéo léo, đảm đang, cần cù (như may, dệt, khâu vá…). Hình ảnh nữ lao công chiếm vị trí tuyệt đối.

- Phạm vi hoạt động của nữ giới chủ yếu là hướng nội (trong nhà, bếp, sân nhà…); còn nam giới thì có mặt ở hầu khắp các hoạt động hướng ngoại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm