Giấu chuyện mang thai để theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng

Phúc Nguyễn
18/03/2023 - 09:09
Giấu chuyện mang thai để theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng

Vượt qua những thách thức đặt ra cho phụ nữ theo đuổi STEM ở Gambia, Mbassally Manneh đã trở thành một kỹ sư xây dựng

Vượt qua những thách thức đặt ra cho phụ nữ theo đuổi STEM ở Gambia, một quốc gia Tây Phi, Mbassally Manneh đã trở thành một kỹ sư xây dựng. Một mình sinh con nơi đất khách quê người, trải nghiệm này không làm cô chùn bước.
"Tôi phải chứng minh 200% năng lực của mình"

Lớn lên cùng gia đình ở Brikama Nema, Gambia, Mbassally Manneh luôn say mê học. Không gì khiến Mbassally hạnh phúc hơn việc đến trường mỗi sáng và thức khuya ôn bài để theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư. 

Ước mơ này đã thúc đẩy Mbassally hoàn thành bằng thạc sĩ Triết học về Kỹ thuật Xây dựng tại trường Kỹ thuật Tiên tiến Quốc gia ở Yaounde (Cameroon) thông qua chương trình "Trọng tâm Giáo dục Đại học Xuất sắc châu Phi".

Mbassally đã trở thành một kỹ sư xây dựng nhưng để làm được điều đó thật không dễ dàng. Làm việc trong một ngành nghề do nam giới thống trị đặt ra cho cô nhiều thách thức. "Tôi phải chứng minh 200% năng lực của mình trước khi cân nhắc theo đuổi công việc về thầu và xây dựng", Mbassally cho biết.

Sinh ra trong một gia đình có 24 anh chị em, giáo dục không quá được chú trọng trong gia đình Mbassally. Học tập luôn là điều tự bản thân cô phải thúc đẩy. Vì vậy, với Mbassally, theo đuổi ước mơ đồng nghĩa với việc làm trái lại số đông và trở thành người đơn độc. 

Tuy nhiên, cô may mắn được cha ủng hộ khi chọn học ở một trường trung học về kỹ thuật. Tại đây, cô học điện, cơ khí ô tô, đồ gỗ, gia công kim loại, hóa học và vẽ kỹ thuật để tiến gần hơn đến ước mơ của mình. 

Giấu chuyện mang thai để theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng
 - Ảnh 1.

Mbassally Manneh làm việc tại công trường

"Tôi nhớ mình từng là nữ sinh duy nhất trong lớp. Khi làm việc, các đồng nghiệp nữ từ các phòng ban khác thường trêu chọc tôi và hỏi liệu tôi có cơ hội để chăm sóc móng tay và có thời gian để làm những việc mà phụ nữ thường làm không", Mbassally nhớ lại.

Kiến thức không có giới tính

Mbassally cảm thấy cô cần phải làm việc chăm chỉ để chứng minh bản thân. Cô may mắn được học một giáo viên, người đã nói với cô rằng: "Kiến thức không có giới tính!". "Điều đó khiến tôi kiên trì và không sợ bất cứ điều gì xảy ra trên con đường mình đi", Mbassally chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Mbassally được nhận vào Học viện đào tạo kỹ thuật Gambia để học thiết kế kiến trúc. Cô được tuyển dụng làm trợ giảng, sau đó là giảng viên của trường, tiếp theo đó là hoàn thành Chứng chỉ quốc gia cao cấp về quản lý xây dựng. 

Khi có cơ hội học thạc sĩ Triết học ở Cameroon, cô đã rất hào hứng. Tuy nhiên vào lúc đó, Mbassally gặp trở ngại khi cô đang mang thai con thứ hai. "Tôi chưa bao giờ bối rối như vậy", cô nói.

Mang thai và đến học ở một đất nước xa lạ là một thử thách nhưng Mbassally không vì vậy mà chùn bước. Cô giấu chuyện mang thai, kể cả với bố mẹ mình. Với niềm tin sẽ vượt qua khó khăn bằng sự chăm chỉ và tận tụy của mình, cô đã đến Cameroon để theo học chương trình. 

"Khi biết tin tôi sinh con, gia đình rất bàng hoàng và tự hỏi sao tôi lại có thể một mình sinh con nơi đất khách quê người mà không có cha mẹ hay chồng bên cạnh. Trải nghiệm này không làm tôi gục ngã, nó bồi dưỡng tôi trước những thử thách trong tương lai", Mbassally nói.

Trở lại Gambia với bằng thạc sĩ, cô được bổ nhiệm làm Trưởng phân ban Kiến trúc kiêm Giảng viên chính Khoa Xây dựng, Viện Đào tạo Kỹ thuật (ITT) thuộc Đại học Khoa học Ứng dụng Kỹ thuật và Công nghệ (USET). Cô cũng thành lập doanh nghiệp của riêng mình, Công ty Kỹ thuật Sally.

Mbassally hy vọng sẽ trở thành hình mẫu cho những phụ nữ trẻ khác. Cô khuyến khích các nữ sinh hãy tận tâm, tập trung và học tập chăm chỉ. Mbassally cho biết: "Khi họ nhìn thấy tôi trong bộ quần áo bảo hộ và mũ bảo hiểm tại một công trường xây dựng, tôi phải đối mặt với nhiều người không tin rằng, tôi là người đứng đầu dự án. Tôi hy vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho những người khác".

Mặc dù phụ nữ chiếm hơn 50% dân số và chiếm phần lớn lực lượng lao động ở hầu hết các quốc gia châu Phi nhưng họ lại ít được đại diện trong các ngành nghề STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Có nhiều lý do dẫn đến sự chênh lệch giới tính trong lĩnh vực, trong đó có định kiến cho rằng, trẻ em trai được định hướng tham gia các lĩnh vực cơ khí/kỹ thuật, trong khi trẻ em gái được yêu cầu tập trung vào các hoạt động về gia đình.

Thúc đẩy phụ nữ trong khoa học là mục tiêu chính của chương trình "Trọng tâm Giáo dục Đại học Xuất sắc châu Phi" ra mắt vào năm 2014. Trên khắp châu lục, chương trình ngày càng thu hút nhiều nữ sinh tham gia.

Nguồn: World Bank
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm