pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gieo chữ nơi xứ người
Các cô giáo đã vượt qua những khó khăn về mặt bằng, thiếu giáo cụ, thiếu sách giáo khoa, chưa có giáo án cụ thể, thời gian hạn hẹp, thời tiết khắc nghiệt về mùa đông... để đến lớp đều đặn với lòng đam mê, tận tụy. Bên cạnh đó là nỗ lực của học trò, nguồn động viên của phụ huynh đã nhân lên tình yêu đất nước, cội nguồn trong tiếng Việt thân thương. Các chị em trong tổ giáo viên được Ban tiếng Việt Hội người Việt Nam thành phố Kiev gọi đùa là "giáo viên cắm bản". Điều đó càng chứng tỏ quyết tâm của các cô giáo nuôi dưỡng "ngọn lửa" nhiệt tình và lòng đam mê trong hành trình nhiều khó khăn nhưng thật đáng tự hào: CHUNG TAY GIEO TIẾNG VIỆT NƠI XỨ NGƯỜI.
Với 4 lớp học 1, 2, 3, 4 được sắp xếp theo lứa tuổi và trình độ cũng như phù hợp với lịch học chính của các em ở trường phổ thông, cô và trò luyện từng con chữ, âm, vần, vượt qua những thiếu thốn về cơ sở vật chất để có những giờ học hiệu quả. Hơn ai hết, các cô hiểu rõ trách nhiệm của bản thân với học sinh và các bậc phụ huynh. Cô Nguyễn Thanh Mai phụ trách giáo vụ là người lo chuẩn bị từng chai nước, cuốn sách giáo khoa, văn phòng phẩm cho học sinh. Trời lạnh, tuyết rơi, cô dò dẫm từng bước trong băng tuyết trơn trượt để đảm bảo sẵn sàng cho giáo viên và học sinh trước mỗi giờ học. Nụ cười luôn nở trên môi. Cô trao cho các em từng cốc nước để giải khát khi trời nắng nóng, quàng lại khăn cho học trò trước khi bước ra đường ngày lạnh, nhắc nhở từng em về ý thức học tập, đạo đức.
Cô Trần Thị Thắng Mỹ luôn tâm huyết với từng bài giảng, sát sao với từng học sinh. Những bài học cô chuẩn bị cho năm học 2019-2020 dành cho lớp 3 rất ý nghĩa và thiết thực. Được đến lớp tiếng Việt, rèn cho các con từng nét chữ, truyền cho trò nhỏ những kiến thức bổ ích là niềm hạnh phúc của cô.
Riêng tôi, mỗi giờ lên lớp đều tràn đầy cảm xúc! Đó là nỗi nghẹn ngào khi chúng tôi học về mùa Xuân và Tết Việt Nam. Học trò lớp 4 của tôi được hiểu thêm về ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết, những phong tục và cách thức chuẩn bị đón năm mới ấm áp, hạnh phúc bên gia đình yêu thương. Đó là cảm xúc rưng rưng khi đọc dòng viết bằng tiếng Việt của cô học trò Phạm Thị An Khanh: "Em thích nhất chợ Troeshina vì đó là nơi bố mẹ em làm việc". Chỉ từng ấy chữ thôi đã thể hiện tấm lòng hiếu thảo và sự trân trọng của con đối với công việc của cha, mẹ. Từ một học sinh được cho là "yếu nhất", sau một tháng được tôi kèm cặp sát sao, An Khanh đã đọc và viết chính tả tốt hơn. Đây chính là niềm vui lớn... Tâm huyết của tôi là truyền cho học sinh lớp 4 tình yêu quê hương, đất nước qua những bài học về Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, hướng dẫn các em viết được những đoạn văn trọn vẹn có sử dụng những kiến thức xã hội và ngữ pháp tiếng Việt cơ sở...
Các học trò lớp 2 nhỏ hơn, nghịch ngợm nhưng vô cùng đáng yêu! Có bạn biết đọc, biết viết nhưng mỗi khi cô yêu cầu trả lời thường làm nũng, giả vờ ngủ hoặc trêu cô là "con không biết". Tôi vẫn nhớ Trần Văn Hải Triều và Phan Thị Ngọc Thảo, 2 trò nhỏ luôn hăng say phát biểu và rất có ý thức học tập đó là. Hai em còn xung phong được làm thầy, cô giáo để kiểm tra các bạn khác. Lê Xuân Phương Anh là một cô bé nhút nhát, giờ đã cởi mở hơn nhiều. Đặc biệt, cô bé viết chữ rất nhanh và đẹp. Nhìn các em tranh nhau phát biểu, xếp hàng đòi chấm điểm với ánh mắt sáng ngời, đầy hy vọng khiến tôi có thêm niềm hứng khởi trong mỗi giờ lên lớp. Bảng tổng kết tháng 11/2019, Trần Văn Hải Triều xếp hạng Nhất, bạn ấy nhảy cẫng lên sung sướng: "Cô ơi, con không ngờ là mình làm được. Hồi đầu học tiếng Việt, con chỉ đạt điểm 3". Từ chỗ chữ viết xấu, Hải Triều kiên trì luyện viết, hăng say hơn trong mỗi giờ tiếng Việt và bài thi viết chữ đẹp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam đã đạt điểm 10...
Với tôi, được cầm tay hướng dẫn học sinh nắn từng nét chữ, dạy các trò biết kính yêu ông bà, cha mẹ, yêu thương gia đình, thầy cô, bè bạn và những người xung quanh; yêu thiên nhiên và có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường... là một công việc không đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa. Mỗi học sinh mỗi cá tính nhưng luôn cố gắng để hiểu tiếng Việt nhiều hơn, điều đó đã tiếp thêm cho tôi niềm tin, nghị lực và quyết tâm. Năm 2019, chúng tôi cũng đã đạt được những thành quả nhất định qua cuộc thi viết chữ đẹp nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đó chính là niềm hạnh phúc thầm lặng của chúng tôi trong hành trình gieo chữ của lớp tiếng Việt Kiev, Ukraina.