Gieo mầm ước mơ cho học trò nghèo xứ Huế

Bài, ảnh: Khôi Nguyên
02/05/2020 - 07:55
Gieo mầm ước mơ cho học trò nghèo xứ Huế

Cô giáo Quỳnh Dương giảng bài cho học trò

Không lập gia đình, nhưng cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Dương (Thừa Thiên - Huế) lại là “người mẹ giàu có” khi có cả trăm người con. Tôi cảm nhận được chị đang hạnh phúc và bằng lòng với sự lựa chọn của mình.

Chị Dương thủ thỉ kể: Bố mẹ chị đều là giáo viên, có đến 12 người con, chị là con thứ 5. Chị sớm hiểu được sự vất vả của bố mẹ khi phải gánh gồng nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi học. Các con lớn lên như tằm ăn rỗi nhưng bố mẹ chị vẫn có thể lo cho cả tá con ăn học thành đạt (7 giáo viên, 3 bác sĩ, 2 người làm trong ngành điện lực, giao thông). Chính môi trường giáo dục nề nếp ấy đã hun đúc một tâm hồn đẹp, giàu lòng trắc ẩn và một ý chí mạnh mẽ như Tôn Nữ Quỳnh Dương.

Chị đếm tuổi qua bàn tay khẳng khiu "66 tuổi rồi còn gì". Mới ngày nào, tốt nghiệp Khoa Sinh, trường Đại học Sư phạm Huế, chị được điều động về dạy ở nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện Phú Lộc. Hơn 30 năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, chị được bao thế hệ học sinh quý mến khi tận tâm trong bài giảng và ấm áp chân thành với học trò nghèo.

Duyên nợ với bọn trẻ khi suốt tuổi thanh xuân, chị vẫn đau đáu nỗi lo các em phải nghỉ học giữa chừng để mưu sinh. Thế nên, sau giờ lên lớp, chị lại tất bật về tận nhà học sinh để động viên và hỗ trợ. 30 năm đi dạy, có hơn 100 học sinh chị nhận nuôi ăn học. Chị bộc bạch: "Nhiều em ở quê nghèo lắm, cơm ăn chẳng đủ no, nói chi đến chuyện đeo đuổi con chữ. Mình đã nhận nuôi em, nào là lo mọi thứ từ sách vở, áo quần, đến học phí. Mình không có tiền nhiều, chỉ biết dành dụm lương hàng tháng để cho bọn trẻ". Những cô cậu học trò nghèo ngày nào nay đã là đồng nghiệp của chị. Họ vẫn không quên bài học về ước mơ mà cô Dương đã gieo mầm.

Năm 2007, chị Dương đang công tác ở Trường THCS thị trấn Phú Lộc. Những ngày không có tiết dạy, chị lại bắt xe đò hơn 40km để lên Trung tâm nuôi dạy trẻ lang thang Xuân Phú làm bảo mẫu và dạy văn hóa cho các em. Những ánh mắt non dại, những gió bụi cuộc đời sớm vương trên cơ thể trẻ lang thang được đưa về trung tâm cứ ám ảnh khiến chị luôn dặn lòng mình là phải dành trọn thời gian, gần các em hơn nữa sau khi mình nghỉ hưu.

Năm 2010, cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Dương chính thức đến với ngôi nhà bảo trợ Phú Thượng khi vừa đủ tuổi nghỉ hưu. Nơi đây được hình thành từ sự đóng góp của gia đình GS-TS. Nguyễn Đình Thông, cựu học sinh trường Quốc học Huế, sinh sống tại Úc. Sau khi GS. Thông mất, từ tháng 9/2018, Nhà bảo trợ học sinh nghèo được chuyển sang do Hội Từ thiện Pháp quản lý và hỗ trợ. Tiêu chuẩn học được nhà bảo trợ nuôi dưỡng là học sinh nghèo, học giỏi. Từ đây, chị Dương dồn toàn bộ tâm sức để thỏa niềm đam mê hoạt động thiện nguyện.

Người mẹ thứ hai

Gắn bó với Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng gần 10 năm, trong vai trò Phó ban điều hành phụ trách, cô Dương "cắm bản" tại đây để trực tiếp đồng hành với các em. Đặc biệt, bằng kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm, cộng với tấm lòng nhân ái của một người có thâm niên 30 năm đứng lớp, cô giáo Dương đã hướng dẫn phương pháp học tập đúng đắn cho các em. Vì thế, ở ngôi nhà bảo trợ ấm áp này, có nhiều tấm gương đạt kết quả xuất sắc trong học tập. Hiện có 33 em độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 12 sinh sống tại Nhà bảo trợ. Mỗi ngày, chị Dương phải chia ra 2 buổi, kiểm tra bài cho các em trước lúc đi học. Giáo viên của các trường đều quý chị vì lúc nào cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường trong quá trình các em theo học. Điều đáng quý trong ngôi nhà này là các em tự học, em lớn dạy bảo em nhỏ hơn để cùng nhau tiến bộ.

Mái ấm của chị năm nào cũng có em đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đỗ điểm cao trong các kỳ thi tuyển sinh đại học... Trong vòng 12 năm, có trên 100 học trò nghèo, học giỏi ở các miền quê được bao bọc, giúp các em thực hiện ước mơ nối dài con chữ. Có đến hơn 70 em đã đậu vào các trường đại học, nhiều em trở thành thủ khoa, á khoa. Các em tốt nghiệp đại học ra trường đã có công ăn việc làm ổn định.

Em Nguyễn Thị Thu Hương tâm sự: "Cô lo cho chúng con từng miếng ăn, giấc ngủ, quan tâm từng bài kiểm tra mỗi khi học về. Bạn nào chưa ngoan, cô gọi lên và phân tích, khuyên nhủ. Nhiều đêm, dù đã khuya lắm rồi, chúng con nhìn qua cửa sổ vẫn thấy phòng ở và làm việc của cô sáng đèn. Con xem cô như người mẹ thứ hai của chúng con".

Cả một "núi" công việc tưởng chừng quá sức với người phụ nữ nhỏ nhắn này, vậy mà ngoài lo lắng quản lý, chăm sóc, dạy dỗ cho học sinh nghèo ở Nhà bảo trợ Phú Thượng, ít nhất tuần hai lần, chị Dương còn tranh thủ đi làm việc thiện như tặng quà, trợ cấp cho những hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Rồi nghe tin ở đâu có hoàn cảnh đáng thương là chị đến chia sẻ kịp thời. Gần thì đi xe máy, xa thì đón xe khách. Ngày tháng cứ trôi, chị Dương vẫn miệt mài lan tỏa lửa yêu thương như con tằm nhả tơ cho đời.

Tôi hiểu nỗi nhọc nhằn vất vả của người trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng các em khi chúng đang bước vào tuổi khó bảo. Từ tấm lòng người mẹ, người cô nghiêm khắc mà nhiều thế hệ học sinh nghèo hiếu học đã lớn khôn, trưởng thành... Đó là "trái ngọt" cho sự nỗ lực không mệt mỏi của những tấm lòng vàng, tấm lòng thiện nguyện chung tay nâng đỡ những cảnh đời cơ cực, trong đó phải kể đến công sức của cô giáo Quỳnh Dương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm