Gió thổi bên sông

Kai Hoàng
20/09/2021 - 20:22
Gió thổi bên sông

Ảnh minh họa

Thỉnh thoảng, tôi vẫn ngó ra sông, dò coi có thấy chị hiện diện đâu đó không, biết đâu chừng chị trở về. Nhưng có lẽ tôi hoài công...

Lúc cái nghèo đuổi Ngà xuôi theo dòng, chị mới biết mầm sống của Ngà đang hình thành trong bụng. Người chị lẩy bẩy vì trót nghĩ tới cuộc trầm luân mà người đời sắp sửa quăng quật rồi bỏ đó, để chị chống chọi khâu vá lòng thành rách bươm. Tơi tả. Không một ai ở xứ Sông Dài này tin vào sự trở lại. Đàn ông ở đây một khi đã đi là biệt tích. Mất dạng. Đàn bà ở lại lau chùi xót xa dày đặc như sương mù, một mình đi hết đoạn đường dài thăm thẳm mà cuộc đời trót lỡ cầm tay. Lần đó chị chỉ tin duy nhất một điều là đời mình cũng dài như sông, không uốn khúc thì cũng lênh đênh chìm nổi. Hun hút.

Bà già hỏi: "Rồi mày định làm gì với cái thai, hay là bỏ đi cho đỡ khổ?". Chị không trả lời, lặng lẽ gom mấy bộ đồ xách lên ghe, sống đơn thân trên sông nước. Mặc kệ bà già năn nỉ, chị vẫn cứ ở lì trên sông ngày qua ngày, tháng qua tháng. Sớm dậy thì xuôi theo con nước đậu ngang khu chợ nổi bán rau trái cho mấy bà mấy cô đi chợ sáng. Tối thì ngồi thức chong đèn may sẵn mấy cái áo cho đứa nhỏ. Vậy là hết ngày. Chợ Lục Bình náo động một khúc sông, chỉ riêng ghe chị thưa người ghé đến, đó là người ta ái ngại mua đồ của người đàn bà độ tuổi xuân xanh chưa chồng mà bụng chừng lấp ló, lỡ ăn vào thì xui lắm.

Thời gian trôi, cái thai cứ lớn dần lên. Sự mạnh mẽ ban đầu như nắng hạn, khô nứt thành từng mảng nhỏ như hoang mạc. Đó là lúc chị theo bà già về nhà, bỏ lại cuộc hành trình sương gió lang thang sông nước chợ đời. Ngày chị chuyển dạ, sinh ra thằng nhỏ y hệt cái thằng phụ tình, đó là má chị nói vậy. Chị đặt tên nó là Giang, nghĩa là sông, như niềm mong đợi ấp ủ trong lòng biết đâu một ngày nào đó Ngà ngược dòng, ghé lại thăm chị với đứa nhỏ. Nhưng bà già bĩu môi: "Như tao cũng chờ thằng cha mày quá nửa đời người mà có thấy trở lại đâu, hỏi ra mới biết ổng lập gia đình với người đàn bà khác, thứ đàn ông gì còn tệ hơn rơm rạ".

Bà già nói nhiều, ca cái điệp khúc phụ tình cũng nhiều. Ba mươi mấy năm bà già sống thui thủi một mình. Lúc còn ở tuổi xuân sắc, nhiều người cũng tới nhà xin gá nghĩa, bà lắc đầu rụi hơ. Hỏi sao má không đi tiếp uổng vậy, bà già ngó về phía sông, nói: "Hết tin vào đàn ông rồi. Rồi liệu người ta có thương đứa con riêng của mình không hay nhân lúc mình buôn gánh bán bưng ngoài đường, người ta dẫn đứa con gái đi đâu mất". Vậy là ở một mình nuôi đứa con gái nhỏ, là chị. Trong lời nói của bà già không có vẻ gì là chạnh buồn và chua xót nhưng chị lại nghĩ nó có chút gì chua xót và chạnh buồn. Giống như người ta đã chờ nhiều, đợi nhiều để rồi thất vọng và tiu nghỉu như sợi dây bầu đang tươi tốt bỗng dưng hứng đợt mưa dầm, èo uột.

Câu chuyện thì quen lắm nhưng có ai nghĩ rằng cảnh đời cũng mang tính di truyền, hết mẹ thì tới con, hai người đàn bà dốc ruột dốc gan chờ người về nối lại sợi tình mà cuộc đời nhẫn tâm cắt đứt. Bà già nghĩ tới phận mình chiếc bóng và trơ khô như lá úa mấy mươi năm, đòi sống đòi chết bắt chị phải gá nghĩa. "Coi như tao xin mày", bà già khóc. Chị cũng khóc: "Sao má đành ép duyên con". Lần đó bà già đổ bệnh, đợt tai biến lần thứ nhất, chị sợ như chết đi sống lại. Cuối cùng đành chiều lòng bà già, gá nghĩa cho một người đàn ông mù.

Tưởng không phải, nhưng kể ra thì giống như mấy đoạn cải lương tuồng cổ về thân phận lâm li bi đát thường hay phát trên đài. Lúc đó thằng Giang mới được 3 tuổi, chị bồng theo về nhà "chồng". Gọi là chồng chứ thực ra không có cưới xin gì hết, nhưng nhờ vậy mà miệng đời cũng chịu ngừng như bão cạn mưa tan. Rồi chị lại mưu sinh nơi sông nước, giữa lúc cuộc đời dìu dịu như con nước êm trôi thì Ngà về. Sau này, chị kể lại, đó là cuộc gặp gỡ nghiệt ngã nhất mà cuộc đời đem đến rồi bỏ đó, lúc chị yên phận về cuộc sống của một người đàn bà đã có chồng có con.

Lần thứ nhất chị bỏ nhà, lúc đó là nửa đêm, khi ngọn đèn trên chái bếp cạn dầu tắt ngúm, để đứa nhỏ nằm khóc với ông chồng mù. Chị nói một hơi dài, giọng chị có hơi nghẹn lại, chắc tại còn thương nên làm điều dại dột. "Trời ơi, nếu mà nhảy xuống sông chết được thì chị cũng chết rồi, nhưng còn đứa nhỏ em ơi...". Rồi chị khóc, chị giống như người chèo ghe đến ngã ba sông, lưỡng lự không biết chọn ngã nào thì bị sóng đánh, chới với và hụt hẫng. Đến lần thứ hai, thứ ba, người ta cũng biết chị hẹn hò trên ghe, đó là chị mượn cớ để đánh hàng lúc sớm.

***

Tôi không còn gặp chị từ bữa đó, từ cái lúc mà chị dẫn ông chồng mù với đứa con nhỏ bỏ xứ Sông Dài mà đi biệt tăm. Mất hút. Mùa này gió thổi bên sông, lạnh ngắt. Tôi ghé qua nhà má chị lúc bà lên cơn đau khớp. Bà già lúc này yếu lắm rồi, bảo nhớ con Thương quá, hồi đó tao không ép duyên nó thì người ta đâu có kéo nhau ra ghe chì chiết làm nó nhục nhã bỏ đi, là tại tao. Bà già đặt tên chị là Thương, còn tên bà là Nhớ, hai cái tên cũng đủ kiểm chứng hai số phận của hai người đàn bà, giống như đã thương ai nhớ ai là thương nhớ cho trót, đến chết cũng không chịu buông. Tôi day qua hỏi Ngà, miệng bà già phát ra mấy từ khô khốc: "Chết rồi". Hỏi sao chết, bà già kể, lúc người ta kéo tới bắt gian, thằng Ngà nhảy xuống sông bơi đi trốn, được một đoạn thì không thấy người đâu nữa, tưởng đâu nó thoát tự dưng mấy ngày sau thấy xác nổi bên kia bờ. Đêm đó cũng có thằng chồng nó dò gậy ẵm đứa nhỏ đi tìm, thằng nhỏ khóc gọi má quá trời.

Bây giờ bà già muốn gặp chị, nhưng hết năm này qua năm khác, chờ hoài chẳng thấy chị ghé lại cái xứ buồn hiu này. Bà già thú nhận nhớ đúng duy nhất hai người, một là người đàn ông mà bà chờ đến cạn tuổi xanh, hai là chị. Chỉ tội bà già cứ ngó mong hoài cho bằng được, cho đến khi cơn tai biến lần thứ hai khiến bà trở nên lẫn, bà vẫn buột miệng hỏi, con Thương về chưa bây. Đó là nỗ lực cuối cùng mà bà già làm trong vô thức trước lúc mỏi mòn nằm xuống trên mảnh vườn trước nhà.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn ngó ra sông, dò coi có thấy chị hiện diện đâu đó không, biết đâu chừng chị trở về. Nhưng có lẽ tôi hoài công...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm