Giúp bà con vươn lên nhờ cây “Xóa đói giảm nghèo”

Gia Hân
23/09/2022 - 06:50
Giúp bà con vươn lên nhờ cây “Xóa đói giảm nghèo”

Hội viên phụ nữ được hỗ trợ trong việc trồng sâm dây để phát triển kinh tế.

Những năm qua huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Từ đó, nhiều chị em, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng sâm để phát triển nâng cao đời sống, kinh tế…

Huyện Tu Mơ Rông có trên 27.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 95%, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng. Đây là vùng núi cao có địa hình phức tạp, thường bị chia cắt về mùa mưa, khí hậu khắc nghiệt, luôn phải đối mặt với thiên tai.

Trước tình hình đó, Đảng bộ và cả hệ thống chính trị của huyện đã nghiên cứu các tiềm năng, thế mạnh của huyện, nhất là thế mạnh về phát triển các loại dược liệu quý gắn với các loại hình du lịch để đưa vào nghị quyết và kêu gọi toàn dân cùng đồng lòng thực hiện các chỉ tiêu quan trọng nhằm phát triển kinh tế huyện nhà. Cả huyện đồng lòng bước vào công cuộc dựng xây, kiến thiết.

Giúp bà con vươn lên nhờ cây “Xóa đói giảm nghèo” - Ảnh 1.

Thay vì quanh năm trồng lúa thì nay người dân huyện nghèo đã và đang từng bước phát triển nhờ sâm Ngọc Linh

Nhiều năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, chính quyền, huyện vùng cao Tu Mơ Rông đã có sự đổi thay rõ rệt, diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể.  

Theo đó, nhằm giúp người dân nâng cao đời sống kinh tế, huyện Tu Mơ Rông đã vạch rõ kế hoạch giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 bằng việc rà soát, thống kê chính xác tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm xây dựng phương án, giải pháp hỗ trợ hộ đăng ký thoát nghèo.

Toàn huyện phấn đấu để tỷ lệ nghèo đa chiều đến cuối năm 2022 là 47,26% (giảm 12,93% so với cuối năm 2021 là 64,79%). Đồng thời địa phương còn đặt mục tiêu phấn đấu giảm số hộ nghèo bình quân hàng năm từ 6-8%, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 17,76% vào cuối năm 2025.

Giúp bà con vươn lên nhờ cây “Xóa đói giảm nghèo” - Ảnh 2.

Tháng 10/2022, UBND huyện Tu Mơ Rông đã trao tặng 10.000 cây sâm Ngọc Linh giống cho 262 hộ dân khó khăn trên địa bàn.

Theo ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, để đạt được những kết quả trên các cấp, các ngành đã tổ chức quán triệt và tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Điển hình là công tác tuyên truyền về giảm nghèo bền vững được quan tâm, đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Đặc biệt, vừa qua UBND huyện Tu Mơ Rông đã phối hợp cùng đơn vị trên địa bàn đã trao tặng 10.000 cây sâm Ngọc Linh giống cho người nghèo. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động "Vì người nghèo" nhằm tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững.

Thực tế cho thấy sâm Ngọc Linh góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là xóa đói giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Không ít người dân ở huyện nghèo Tu Mơ Rông đã thoát nghèo nhờ trồng sâm Ngọc Linh.

Nhờ mạnh dạn thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh, đến nay anh Chung (xã Măng Ri) đã sở hữu vườn sâm tiền tỷ trên đỉnh núi. Cụ thể, hiện vườn sâm của anh Chung trồng khoảng 1.500 gốc sâm Ngọc Linh có thời gian từ 1-5 năm tuổi, 300 cây sâm Ngọc Linh khoảng 5 năm tuổi. Giá của những củ sâm này cũng sẽ phụ thuộc vào năm tuổi và trọng lượng mỗi củ, cao nhất có thể lên đến 250 triệu đồng/kg.

Giúp bà con vươn lên nhờ cây “Xóa đói giảm nghèo” - Ảnh 3.

Các đoàn đi thăm một vườn sâm ở huyện Tu Mơ Rông.

Xác định sâm Ngọc Linh là cây "xóa đói giảm nghèo", cây chủ lực của bà con người DTTS nên trong 5 năm trở lại huyện Tu Mơ Rông đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp cùng phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đến nay, toàn huyện đã trồng và phát triển hơn 600 ha sâm Ngọc Linh, chủ yếu ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây…

Để công tác giảm nghèo diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả, UBND huyện Tu Mơ Rông đã vạch ra những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Vì người nghèo -Không để ai bị bỏ lại phía sau". Thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững". Qua đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân và cộng đồng; tuyên truyền, giới thiệu những cá nhân, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm