Nỗ lực giảm nghèo ở xã vùng cao

Linh Trần
05/12/2022 - 14:07
Nỗ lực giảm nghèo ở xã vùng cao

Mô hình kinh tế góp phần giảm nghèo của phụ nữ huyện Phong Thổ

Phong Thổ là huyện vùng cao, đời sống của người dân những năm qua còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, tỷ lệ giảm nghèo ở Phong Thổ đã giảm xuống, thu nhập tăng, đời sống nhân dân được cải thiện.

 Nhiều nhân tố, mô hình kinh tế mới

Pà Chải là một trong những bản xa và khó khăn nhất của xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ, Lai Châu). Bản có 77 hộ dân, 100% đều là người dân tộc Dao. Trước đây đa phần các hộ dân trong bản đều thuộc diện đói nghèo, phần do trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu vẫn còn tồn tại, phần do thiếu vốn và kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, những năm gần đây, cuộc sống của người dân đang dần được cải thiện. Trong bản, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, góp phần giảm nghèo hiệu quả.

Gia đình anh Phàn A Ninh (bản Pà Chải) là một trong những hộ điển hình trong việc thoát nghèo vươn lên làm giàu của địa phương. Bên cạnh việc chăm sóc diện tích 1ha lúa, 1ha ngô, sắn, gia đình anh còn đầu tư trồng 3.000m2 khoai sọ, 4.000m2 chuối. Ngoài ra, để có thêm thu nhập vợ chồng anh còn làm công nhân tại nông trường cao su Phong Thổ với mức lương trung bình từ 4 đến 6 triệu đồng một người. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên gia đình anh Ninh đã thoát nghèo vào năm 2015. Từ khoản thu nhập trên 120 triệu đồng hàng năm, anh Ninh đã tiết kiệm để nuôi con ăn học và xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, kiên cố với tổng diện tích 240m2.

Nỗ lực giảm nghèo ở xã vùng cao - Ảnh 1.

Vùng trồng khoa sọ ở xã Nậm Xe đem lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Phàn Dâu Thàng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pà Chải cho biết, để hỗ trợ người dân giảm nghèo, thời gian qua Bản đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cũng như các chương trình dự án nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt, những năm gần đây, người dân ở Pà Chải đã và đang dần chuyển đổi diện tích đất nương đã bạc màu sang trồng 15ha chuối, 15ha khoai sọ và 3ha xoài Đài Loan để nâng cao thu nhập. Vì vậy số hộ nghèo của Pà Chải hiện còn 38 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm.

Nỗ lực giảm nghèo ở xã vùng cao - Ảnh 2.

Một góc bản Pà Chải, xã Nậm Xe

Tại các bản khác của xã Nậm Xe, người dân cũng được các cấp chính quyền hỗ trợ sản xuất. Chị Tao Thị Lơi (dân tộc Dao, xã Nậm Xe) cho biết: Mỗi khi vào đầu vụ, chúng tôi lại đăng ký với Trưởng bản để được hỗ trợ giá, hỗ trợ phân bón và kỹ thuật chăm sóc. Nhà nào có nhiều nương thì được hỗ trợ nhiều, ít thì hỗ trợ ít. Như gia đình tôi, mỗi vụ ngô thu về 20 - 30 bao, làm ruộng mỗi vụ cũng được khoảng 70 bao thóc. Vì thế, cuộc sống không còn vất vả so với trước đây.

Đổi thay

Ông Đặng Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Nậm Xe cho biết, xã Nậm Xe có 17 bản, 1.459 hộ, trên 6.700 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao, Mông… sinh sống. Do trình độ dân trí thấp, nên đời sống người dân những năm qua còn nhiều khó khăn.

Nỗ lực giảm nghèo ở xã vùng cao - Ảnh 3.

Người dân chăn nuôi dê cho thu nhập cao

Nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Trong đó, ưu tiên đưa các cây có giá trị kinh tế cao như: chè, chuối, lúa tẻ râu vào gieo trồng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, vận động bà con các bản tham gia mô hình kinh tế: vùng sản xuất chè, vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung… theo hình thức chuỗi liên kết, duy trì tốc độ tăng trưởng đàn vật nuôi.

Ngoài ra UBND xã gắn phong trào thi đua của các đoàn thể chính trị địa phương như: nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, thanh niên lập thân lập nghiệp. Từ đó, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo.

Nỗ lực giảm nghèo ở xã vùng cao - Ảnh 4.

Đường nội bản ở Nậm Xe được bê tông hóa giúp nhân dân đi lại thuận tiện hơn

Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã chú trọng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giống, máy sản xuất nông nghiệp cho bà con theo các chương trình, dự án của Chính phủ, tỉnh. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các tổ chức Hội, Đoàn thanh niên tạo điều kiện thuận lợi để hội viên, đoàn viên tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế mới, nâng cao thu nhập.

Với sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã, đến nay kinh tế của Nậm Xe có bước tiến rõ rệt. Trên địa bàn xã đã từng bước hình thành các khu sản xuất tập trung với các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ví như nhân dân các bản: Dền Thàng, Vàng Thẳm, bản Mấn 1, 2, Po Chà, Pà Chải chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 30ha khoai sọ, 46ha lạc; cải tạo vườn tạp trồng gần 52ha giống xoài Đài Loan. 

Nỗ lực giảm nghèo ở xã vùng cao - Ảnh 5.

Lãnh đạo xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) thường xuyên xuống các bản kiểm tra, hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng.

Cùng với đó, UBND xã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế từ các chương trình, dự án; quan tâm thực hiện các chính sách cho người có công, học sinh nghèo. Đồng thời, xã tận dụng các nguồn vốn lồng ghép, huy động sức dân làm đường giao thông nội bản, nội đồng; sửa chữa kênh mương thủy lợi đảm bảo cho bà con đi lại thuận tiện và có nước tưới tiêu. "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các mô hình kinh tế mới, các cây trồng vật nuôi năng suất cao, phát triển nhanh vào sản xuất. Từ đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi diện mạo quê hương", ông Thanh chia sẻ. 


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm