pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giúp chị em khó khăn về nhà ở không còn nỗi lo "mưa tạt, gió lùa"
Đại diện chính quyền địa phương trao tặng Mái ấm tình thương cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn
Những căn nhà ấm áp nghĩa tình
Để hỗ trợ hội viên, phụ nữ trên địa bàn khó khăn về nhà ở, những năm qua, Hội LHPN huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã triển khai phong trào xây dựng Mái ấm tình thương. Hội LHPN các xã, thị trấn cũng rà soát các nhà tạm, xuống cấp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có đầy đủ pháp lý để Hội vận động các nguồn lực hỗ trợ. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều gia đình hội viên đã có được căn nhà kiên cố, vững chãi, bớt nỗi lo khi mùa mưa bão đến.
Căn nhà của chị Phan Thị Lụa (thôn Diên Lộc, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) mới được bắt đầu xây dựng, dự kiến với tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này một phần anh chị em hỗ trợ, một phần ngân sách địa phương và Hội Phụ nữ vận động hội viên đóng góp. Đây là ngôi nhà mà chị hằng mơ ước từ khi hồi hương trở về quê sinh sống.
Chị Lụa cho biết, trước đây vợ chồng chị vào miền Nam làm việc với vô vàn khó khăn. Vợ chồng chị làm thuê, ai kêu gì làm đó. Tuy nhiên, chồng thì đau ốm liên miên, trong khi 2 con đang tuổi ăn học nên chẳng dư dả được bao nhiêu.
Khi đại dịch Covid bùng phát, cuộc sống của gia đình chị lại càng khó khăn hơn nữa. Sau khi bàn bạc, vợ chồng chị quyết định trở về địa phương. Gia đình chồng cho mảnh đất nhỏ, chị được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện nhanh chóng hỗ trợ vấn đề thủ tục. Do hoàn cảnh khó khăn, chị được chính quyền và Hội LHPN xã vận động kinh phí để xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống. "Nếu không có các cấp Hội hỗ trợ, không biết bao giờ chúng tôi mới có căn nhà che mưa nắng nữa. Giờ thì, gia đình chúng tôi an tâm sản xuất rồi", chị Lụa chia sẻ.
Không chỉ chị Lụa, nhiều chị em khác cũng được các cấp Hội giúp đỡ. Ví như, trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Phi (thôn Đông Lưu, xã Lộc Trì); hay gia đình bà Phan Thị Hằng thôn Giang Chế (xã Giang Hải). Các bà đều đã lớn tuổi, thường xuyên đau ốm, thu nhập chính dựa vào việc làm thuê. Tuy nhiên, do ngày càng lớn tuổi, sức khỏe càng yếu, ít có người thuê làm. Vì vậy, có được căn nhà từ sự chung tay của cán bộ, hội viên phụ nữ, các bà cảm động lắm.
Hay như trường hợp chị Bùi Thị Kim Duyên (thôn Phụng Chánh 1, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc), chị Nguyễn Thị Mơ (thôn La Sơn, xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) phấn khởi khi có được căn nhà mới. Đây cũng là động lực để các chị vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. "Từ khi được các cấp Hội, chính quyền và địa phương vận động nhà hảo tâm hỗ trợ mỗi nhà 65 triệu đồng để xây dựng mái ấm tình thương, vợ chồng tôi đã có nơi ở đàng hoàng. Giờ đây, cuộc sống không còn vất vả như trước, công việc cũng ổn định", chị Mơ chia sẻ.
Không còn nỗi lo "mưa tạt, gió lùa"
Thời gian qua, phong trào xây dựng mái ấm tình thương cho hội viên, phụ nữ nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc có sức lan tỏa sâu, rộng, nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Chỉ riêng trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Hội LHPN huyện đã vận động xây dựng được 05 nhà mái ấm tình thương, bình quân mỗi mái ấm từ 50-70 triệu đồng.
Để có được kết quả này, Hội LHPN huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền gắn với phong trào "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"; "Đồng hành cùng phụ nữ đơn thân yếu thế". Ngoài ra, để tạo điều kiện, khuyến khích các Chi hội tận dụng nguồn lực tại chỗ để xây dựng mái ấm tình thương cho hội viên, phụ nữ nghèo thông qua các mô hình như "Góp vốn xoay vòng", "Góp ngày công" để xây nhà mái ấm tình thương. Đến nay, phong trào xây dựng mái ấm tình thương cho hội viên, phụ nữ nghèo thật sự lan tỏa, góp phần đồng hành cùng chị em có hoàn cảnh khó khăn vượt qua giai đoạn khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hội LHPN Phú Lộc cũng cho biết, phong trào xây dựng Mái ấm tình thương không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ xây nhà. Trong quá trình rà soát, xây dựng nhà cho hội viên phụ nữ nghèo, các cấp Hội còn khảo sát nhu cầu, khả năng phát triển của từng đối tượng để có biện pháp giúp đỡ phát triển kinh tế phù hợp.
Ví như, hội viên phụ nữ nghèo còn trong độ tuổi lao động sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất hoặc giới thiệu việc làm trong các công ty, doanh nghiệp. Điều này càng tiếp thêm niềm tin, động lực cho hội viên, phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống.