pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giúp con vào trường đại học danh giá nhờ 3 cách dỗ "khác người"
Ông Hoàng Phúc Lâm
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của con cái, nhiều bậc cha mẹ đã lấp đầy thời gian biểu của con bằng các lớp luyện thi hoặc năng khiếu, hy vọng con sẽ được nhận vào các trường đại học hàng đầu.
Nhưng Hoàng Phúc Lâm - ông bố người Hồng Kông (Trung Quốc) - không đồng tình với "công thức thành công" này. Ông không đăng ký cho con đi học thêm, không bắt con tham gia các hoạt động ngoại khóa không cần thiết, kết quả là cậu con trai được nhận vào ĐH Cambridge danh giá ở nước Anh.
Hoàng Phúc Lâm tự gọi mình là "một kiểu phụ huynh khác" và không đồng ý với quan điểm giáo dục "cha mẹ hổ" phổ biến ở Hồng Kông.
Những quan điểm giáo dục con của ông vô cùng khác biệt:
Không cần chiến thắng ở vạch xuất phát
"Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng nếu con cái của họ giành chiến thắng ở vạch xuất phát thì tương lai sẽ thuận buồm xuôi gió. Nếu bạn muốn so sánh cuộc đời với một cuộc đua, thì đó phải là một cuộc chạy marathon: Bạn chạy nước rút hết mình trong hiệp một, không có nghĩa là bạn có thể duy trì sức mạnh như nhau ở hiệp giữa và sau đó", ông Hoàng Phúc Lâm nói.
Ông bố này lấy kinh nghiệm của bản thân khi còn là học sinh làm ví dụ. Lúc đó, ông rất coi trọng việc học, đạt điểm cao trong kỳ thi Chứng chỉ Giáo dục Hong Kong (HKCEE), đủ để được nhận vào Queen's College. Nhưng sau khi vào học, ông phát hiện ra rằng 26 bạn học xung quanh mình đều là những học sinh giỏi nhất từ các trường khác.
Đối mặt với môi trường mới và sự cạnh tranh học tập khốc liệt, Hoàng Phúc Lâm bắt đầu chán ghét việc học, rơi từ vị trí thứ 11 trong học kỳ đầu tiên xuống vị trí thứ ba trong học kỳ thứ hai.
Không muốn tuổi thơ của con trai vất vả như mình, ông thậm chí còn đặt ra một quy định kỳ lạ: Nếu con đứng đầu trong kỳ thi sẽ không được cho tiền tiêu vặt; đứng thứ hai trong kỳ thi sẽ được cho một nửa. Mục đích để con trai hiểu rằng thứ hạng không phải là tất cả, và hy vọng rằng con có thể học tập vui vẻ.
Khi đăng ký vào các trường tiểu học và trung học, vợ chồng Hoàng Phúc Lâm cũng chọn cho con trai trường không có bài vở nặng nề để con có nhiều không gian khám phá sở thích và năng khiếu, đồng thời duy trì sự hăng say học tập.
Khám phá tiềm năng của con không có nghĩa là ép buộc
Trong bầu không khí giáo dục chú trọng thi cử ở Hong Kong, cha mẹ thường đánh giá con cái dựa trên thành tích học tập, ông Hoàng Phúc Lâm cho rằng điều này là không nên.
"Điểm số chắc chắn rất quan trọng để được nhận vào một trường danh tiếng, nhưng việc ó không đảm bảo thành công trong tương lai. Và, không phải tất cả những người đóng góp cho xã hội đều đến từ một ngôi trường danh tiếng", ông nói.
Ở nhiều nơi, những học sinh giỏi nhất luôn đứng đầu và khả năng của trẻ em chỉ được đánh giá bằng điểm thi mà bỏ qua tài năng của chúng trong các lĩnh vực khác. Để phát hiện tiềm năng của trẻ, ông Hoàng Phúc Lâm tin rằng nên cho con thử sức với nhiều thứ khác nhau. Tuy nhiên, ông không muốn ghi danh cho con mình vào các lớp học năng khiếu một cách vô tội vạ. Ông yêu cầu con phải kiên trì trong mọi việc, nhưng phải biết từ bỏ khi đến thời điểm thích hợp.
"Trước khi con ra đời, tôi đã muốn cháu học ảo thuật rồi. Nhưng khi con học ảo thuật năm 5 tuổi, tôi thấy tay cháu không linh hoạt, cầm không được đạo cụ. Sau khi từ bỏ ảo thuật, tôi lại để con thử vẽ tranh và thể thao, nhưng nhận thấy con không có năng khiếu trong các lĩnh vực này nên không ép buộc con tiếp tục".
Hoàng Phúc Lâm không vì điều này mà lo lắng, ngược lại tiếp tục bình tĩnh quan sát.
Mãi cho đến khi con trai đột nhiên hỏi mượn thẻ tín dụng khi 12 tuổi, ông mới vô tình phát hiện ra rằng con trai mình thích đầu tư. Hóa ra cậu con trai muốn vay tiền để mua vũ khí trò chơi và bán lại cho những người bạn cùng lớp. Sau khi biết chuyện, ông đã yêu cầu con trai nói rõ số tiền sẽ sử dụng. Đồng thời, yêu cầu con dùng số tiền tiêu vặt để cam kết, tự chịu trách nhiệm về lãi, lỗ. Cậu con trai còn nhỏ nhưng có đầu óc kinh doanh, chỉ trong nháy mắt đã kiếm được hơn 4.000 tệ (hơn 13 triệu đồng).
Thấy con trai quan tâm đến khía cạnh này, ông đã dạy con những kiến thức liên quan đến tài chính và yêu cầu cậu đọc "Financial Times" của Anh.
"Những người khác có thể nghĩ rằng nói về tiền bạc với trẻ em là rất tầm thường, nhưng tiền là một thứ thiết yếu trong cuộc sống. Đặc biệt là ở Hồng Kông, một thành phố thương mại, việc học cách quản lý tiền là rất quan trọng. Thấm nhuần khái niệm về tiền từ sớm tuổi có thể hướng dẫn trẻ sử dụng đồng tiền một cách thận trọng và đề phòng bị lừa, nhưng quan trọng hơn là chiều theo sở thích của trẻ, để trẻ thích học và tìm ra con đường phù hợp với mình", ông nói.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có năng khiếu và thông minh, hoặc có mục tiêu rõ ràng từ nhỏ, vì vậy điều quan trọng là cha mẹ phải đóng vai trò định hướng. Ông Lâm tin rằng cha mẹ nên tương tác với con cái nhiều hơn, hiểu tính khí của con và hướng dẫn chúng tùy theo tình huống. Nhờ vậy, trẻ có thể đạt được kết quả gấp đôi với một nửa nỗ lực trên con đường trưởng thành, đồng thời cũng có thể vun đắp tình cảm gia đình.
Độc lập đến từ sự tôn trọng và đồng hành
Nhiều sinh viên cảm thấy bối rối khi lựa chọn ngành học đại học hay tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, phần nhiều do đã quen với việc bố mẹ, nhà trường lên kế hoạch cho mình. Vì vậy, ngay từ khi con trai còn rất nhỏ, Hoàng Phúc Lâm đã yêu cầu con trai đưa ra những lựa chọn đơn giản: Chẳng hạn như con muốn mặc quần màu gì khi ra ngoài? Ăn nhà hàng nào? Tôn trọng quyền lựa chọn của trẻ có thể khuyến khích trẻ suy nghĩ độc lập.
Một số phụ huynh muốn rèn luyện cho con tính tự lập đã chọn cho con học tại các trường nội trú ở nước ngoài. Ông Hoàng chỉ ra rằng 13, 14 tuổi cần tình yêu thương và sự hướng dẫn của cha mẹ nhất, giai đoạn này cho con ra nước ngoài, mặc dù trẻ học cách tự lập và có nhiều không gian để tự do phát triển nhưng cũng dễ tạo khoảng cách với cha mẹ.