Giúp phụ nữ Lào Cai, Yên Bái làm giàu từ cây quế

Quỳnh Phương
13/11/2020 - 15:55
Giúp phụ nữ Lào Cai, Yên Bái làm giàu từ cây quế

Nguyễn Thị Huyền, giám đốc Công ty Vina Samex

Nhận thấy nhu cầu về quế ngày càng có giá trị trên thị trường thế giới, Nguyễn Thị Huyền, nữ giám đốc trẻ đầy nhiệt huyết của Công ty Vina Samex đã thực hiện dự án phát triển chuỗi sản xuất quế hữu cơ, giúp người nông dân, đặc biệt là phụ nữ Lào Cai, Yên Bái làm giàu trên chính quê hương mình.

Sinh năm 1989, Nguyễn Thị Huyền – nữ giám đốc trẻ đầy nhiệt huyết của Công ty Vina Samex đã có hơn 10 năm gắn bó với những cây gia vị đặc biệt của Việt Nam. Là quốc gia sản xuất quế lớn thứ 3 trên thế giới, Việt Nam có nhiều lợi thế tự nhiên giúp các công ty như Vina Samex phát triển. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên, công ty của Huyền chỉ bán các sản phẩm giá trị thấp sang các thị trường như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Đông. Sản phẩm được mua lại từ các thương lái địa phương nên Công ty lúc đó hầu như chưa có kết nối trực tiếp với người nông dân.

Tuy nhiên, bắt nguồn từ nhu cầu của thị trường, Nguyễn Thị Huyền đã có sự thay đổi trong triết lý kinh doanh. Sau khi tham dự một số hội chợ lớn trên thế giới và tổ chức các chuyến thăm vùng nguyên liệu dành cho khách hàng quốc tế, Huyền nhận thấy nhu cầu về quế giá trị cao ngày càng tăng trên thị trường thế giới. 

Giúp phụ nữ Lào Cai, Yên Bái làm giàu từ cây quế

Huyền cùng đồng nghiệp về tận địa phương để tìm hiểu, trò chuyện trực tiếp với người dân thì mới thấy họ có rất ít kiến thức về cây quế, mặc dù họ đã sống cùng cây quế qua bao nhiêu năm. Việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ khiến họ không biết hết các công dụng của quế và thiếu kiến thức canh tác nên sản lượng bấp bênh và năng suất thấp. 

Từ đó, Huyền được thôi thúc phải làm gì đó để phát huy thế mạnh địa phương, giúp nâng tầm cây quế trên thị trường quốc tế bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường cũng như giúp đỡ bà con nông dân tại Việt Nam có thể làm giàu trên chính sản phẩm của quê mình. Một nhu cầu chính đến từ thị trường châu Âu là quế đạt chứng nhận hữu cơ.

Giúp phụ nữ Lào Cai, Yên Bái làm giàu từ cây quế - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Huyền giới thiệu sản phẩm với khách hàng quốc tế

Năm 2017, Vina Samex đạt chứng chỉ hữu cơ cho vùng trồng quế tại Yên Bái. Sản lượng xuất khẩu của Công ty giảm đi so với trước đây nhưng giá bán tăng lên đáng kể. 

Trước nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường thế giới về quế hữu cơ, Huyền nhìn thấy cơ hội mở rộng vùng trồng quế tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Đây là một trong những vùng trồng quế lớn nhất cả nước với 36.500 ha, với tiềm năng phát triển vô cùng lớn. 

Cũng giống như ở Yên Bái, lúc này người dân vẫn chưa hiểu hết được về giá trị của cây quế cũng như cách chăm sóc đúng cách để đạt năng suất và chất lượng cao. Huyền nhận thấy người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch quế. Đồng thời, họ cũng phải đảm đương các công việc gia đình như việc đồng áng, việc nhà và chăm sóc con cái, do đó họ ít có cơ hội được tham gia các lớp đào tạo tập huấn về kỹ thuật trồng, canh tác quế bền vững. 

Người phụ nữ ở đây cũng thiếu kĩ năng quản lí tài chính cũng như khả năng ra quyết định trong gia đình. Là một người phụ nữ, Huyền vô cùng đồng cảm với những chị em phụ nữ nơi đây. Bản thân chị khi đứng ra kinh doanh và điều hành doanh nghiệp, chị cũng gặp nhiều trở ngại và những định kiến của xã hội đối với phụ nữ làm kinh doanh. 

Với mong muốn giúp phụ nữ Lào Cai, Yên Bái làm giàu từ cây quế, Nguyễn Thị Huyền quyết tâm thực hiện sứ mệnh góp phần cải thiện cơ hội kinh tế cho phụ nữ ở Văn Bàn cũng như giúp họ có được sự đồng cảm, chia sẻ về công việc gia đình và tiếng nói lớn hơn trong gia đình và cộng đồng.

Hiện nay, công ty của Nguyễn Thị Huyền đang đang hợp tác cùng tổ chức SNV và GREAT (một dự án của chính phủ Úc) thực hiện dự án phát triển chuỗi sản xuất quế hữu cơ tại Văn Bàn, Lào Cai thông qua các biện pháp như thành lập vùng trồng hơn 1.200 ha và cơ sở chế biến mới tại Lào Cai, nâng cấp dây chuyền sản xuất cũng như tăng cường đào tạo về sản xuất quế hữu cơ cho nông dân, đặc biệt là phụ nữ. 

“Giờ đây, bà con đã hiểu rất rõ về giá trị của cây quế và coi cây quế là cây trồng chủ lực giúp phát triển kinh tế gia đình. Người phụ nữ ngày càng có tiếng nói lớn hơn trong gia đình, cộng đồng và xã hội.”. Nguyễn Thị Huyền cho biết. Nhờ đó, thu nhập của bà con lên gấp hai đến ba lần. và giúp cho chị em phụ nữ các dân tộc Tày, Dao và Mông tăng sự tự tin và kĩ năng quản lí tài chính.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm