Gỡ nguồn vốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

17/11/2017 - 15:38
Chiều 16 và sáng 17/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần xây dựng Nông thôn mới.
db-mai-thi-anh-tuyet.jpgĐại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang

 

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang, cho rằng thời gian qua, NHNN dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để cho vay chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, ít doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; việc triển khai nhiều khó khăn, vướng mắc. “Xin hỏi Thống đốc vì sao chính sách ưu đãi vừa qua doanh nghiệp khó tiếp cận để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp đang bức thiết như hiện nay. Giải pháp nào để tháo gỡ?”, đại biểu Tuyết đặt câu hỏi.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn, cho rằng lãi suất cho vay thương mại các dự án đầu tư cao tới 11,5%/năm, điều này dẫn đến làm tăng giá thành. Dòng tín dụng theo nguyên tắc thị trường có xu hướng đổ vào lĩnh vực đầu tư như BOT giao thông, bất động sản là nơi có các dự án lớn hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng, thời gian vay dài hạn. Điều này dẫn đến lĩnh vực đầu tư như nông nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực tạo ra nhiều sản phẩm và việc làm cho xã hội thì lại khó tiếp cận được nguồn vốn vay để phát triển.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết quá trình triển khai chính sách tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch thì mới triển khai được khoảng 6 tháng, cho đến nay dư nợ đã đạt khoảng 36.000 tỷ trong gói 100.000 tỷ đồng.

Trong đó kỳ hạn dài chiếm xấp xỉ 60%, như vậy tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch đã đáp ứng được nhu cầu đầu tư nguồn vốn lớn trung và dài hạn.

thong-doc-le-minh-hung.jpg
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội


Thống đốc nhấn mạnh: “Quá trình triển khai được thời gian ngắn, nhưng tốc độ tăng trưởng, quy mô tín dụng đạt đã khá cao”. Trong đó khối lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này thì hiện nay trong tổng dư nợ khoảng trên 6.400 khách hàng đã được tiếp cận. Trong đó có khoảng hơn 6.000 là khách hàng cá nhân, còn lại là khách hàng doanh nghiệp.

Về vấn đề doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao khó tiếp cận vốn, Thống đốc Lê Minh Hưng lý giải: Triển khai chính sách này đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữ các bộ, ngành. Trên thực tế, doanh nghiệp còn một số hạn chế như các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; khiến các ngân hàng khi cho vay phải thận trọng. Cạnh đó, vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm mang tính quyết định cho việc các ngân hàng xem xét cho vay lại chưa ổn định. Mặt khác, một số doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp vay vốn, nên còn khó khăn nhất định.

Trong thời gian tới, Thống đốc NHNN cho biết sẽ đẩy mạnh hơn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tạo lập được những khu, những vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cũng như xem xét, cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, nông nghiệp sạch để tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục xem xét để cho vay vốn.

Về phía ngân hàng, theo Thống đốc NHNN, tiến hành sửa đổi Nghị định 55 về một số chính sách tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn. Trong đó, thay vì chỉ cho doanh nghiệp, HTX mà sẽ mở rộng đối tượng có thể vay là các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là có thể vay vốn. Đồng thời bổ sung quy định tổ chức tín dụng được nhận các tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp, để vay vốn.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm