pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gỡ "nút thắt" xã hội hóa giáo dục và đào tạo
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, phát biểu tại Tổ sáng 24/10. Ảnh: PVH
- Qua nghiên cứu, bà có thể cho biết thực trạng thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay ra sao?
- Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa: Nhu cầu thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở nước ta là rất lớn. Vừa qua, khi thực hiện chuyên đề giám sát về giáo dục phổ thông, kết quả đã chỉ ra sự thiếu hụt rất lớn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học và nguồn kinh phí để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục.
Về kinh phí, mặc dù được ưu tiên và xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là có hạn. Trong cả giai đoạn 2014-2022, tổng kinh phí bố trí thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông chỉ chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước. Hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cho giáo dục, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách.
Trong bối cảnh đó, nguồn kinh phí từ xã hội hoá giáo dục thu hút được là 6.420,22 tỷ đồng (chiếm 3% tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông).
Về cơ sở vật chất, tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của các cấp học là 63.920 phòng, trong đó thiếu 3.031 phòng học tin học và 5.517 phòng học ngoại ngữ; thiếu 2.086 thư viện.
Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%.
Hiện nay, nhu cầu tiếp tục thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển giáo dục là rất lớn, nhằm mở rộng, bổ sung các cơ sở giáo dục có chuẩn chất lượng quốc tế của người Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là ở những đô thị lớn; đồng thời, nhu cầu mở rộng việc thực hiện các chương trình liên kết ở các trường công lập để học sinh có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ giáo dục mới mà nhà nước chưa có điều kiện để đầu tư và cung cấp tốt bằng khối tư nhân, như liên kết giảng dạy các môn học nghệ thuật, thể thao, ngoại ngữ…
- Đại biểu đánh giá thế nào về hiệu quả của các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo thời gian qua?
- Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa: Chính sách hiện hành về khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2013, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp và được cụ thể hóa trong các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, tập trung nhất là nghị định 69 và Nghị quyết 35. Theo đó, các chính sách ưu đãi cụ thể bao gồm ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng; khuyến khích hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân với các cơ sở giáo dục công lập thông qua các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công - tư; khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hợp tác, liên doanh, liên kết với các cơ sở ngoài công lập; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện phù hợp…
Tuy nhiên, qua giám sát thực tiễn, chúng tôi cũng nhận thấy thực trạng thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Các thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; điều kiện tiếp cận quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập; chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục; chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… chưa bảo đảm dễ dàng thực hiện. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
- Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở nước ta trong thời gian tới?
- Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa: Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách xã hội hóa giáo dục trong các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương và các tầng lớp nhân dân, nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục. Thực hiện nghiêm túc quy định coi xã hội hóa giáo dục và đào tạo là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để triển khai thực hiện và đánh giá hàng năm.
Thứ hai, sớm tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; rà soát đề kịp thời phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, cần chú trọng quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm công bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.
Thứ ba, cần thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh những tấm gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Thứ tư, mở rộng thực hiện các dự án hợp tác công - tư, các chương trình liên kết trong giáo dục, đào tạo.
Thứ năm, tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò chủ đạo của nhà nước trong việc phát triển giáo dục và điều hướng phát triển xã hội hoá giáo dục, quản lý chặt chẽ về chất lượng giáo dục và giá cả dịch vụ giáo dục được xã hội hoá. Trên thực tế, tuy tỷ trọng đầu tư ở khu vực ngoài công lập ngày càng gia tăng nhưng vai trò của Nhà nước trong phát triển giáo dục được khẳng định ở mọi bậc học, cấp học, từ giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học.
Đối với giáo dục phổ thông, cần tiếp tục thể hiện rõ vai trò của nhà nước trong phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý nội dung giáo dục phổ thông, được thể hiện qua nội dung, chất lượng sách giáo khoa; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; việc biên soạn, cung cấp sách giáo khoa cho học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
- Trân trọng cảm ơn bà!