Học sinh tiểu học học từ 1.015 đến 1.120 tiết học mỗi năm
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể cho biết, chương trình vừa được thông qua về cơ bản không thay đổi so với dự thảo công bố hôm 12/4/2017 để lấy ý kiến chuyên gia và các tầng lớp nhân dân.
Những thay đổi chỉ là đổi tên một số môn học ở tiểu học, nhấn mạnh hơn yêu cầu giáo dục hướng nghiệp ở cấp THCS và thay đổi trong kế hoạch giáo dục ở lớp 10. Cùng với đó, thời lượng một số môn học ở cấp tiểu học sẽ được giảm tải hơn so với dự thảo trước đó.
Cụ thể, lớp 1, 2 còn 1.015 tiết; lớp 3 còn 1.085 tiết; lớp 4, 5 còn 1.120 tiết. Về nội dung, các môn học chỉ còn phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn chứ không phân thành nhiều loại như dự thảo trước đây (môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn, nội dung giáo dục của địa phương).
Ở cấp tiểu học, các môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung và thời lượng các môn Tiếng Việt, Ngoại ngữ (ở lớp 3, 4, 5) không có sự thay đổi.
Riêng số tiết môn Toán lớp 5 giảm còn 175 tiết. Môn Giáo dục lối sống trong dự thảo cũ được đổi tên thành Đạo đức, đồng thời giảm thời lượng từ 70 tiết ở các lớp 1, 2, 3 xuống còn 35 tiết. Môn Cuộc sống quanh ta (ở các lớp 1, 2, 3) được gộp chung thành môn Tự nhiên và Xã hội.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, quy định về thời lượng học trong Chương trình GDPT tổng thể là quy định áp dụng cho các trường có thời lượng học tập trung bình.
“Các trường có điều kiện dạy học cả ngày có thể sử dụng thời lượng giáo dục tăng thêm để hướng dẫn học sinh tự học, dạy học các môn học tự chọn, tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, hoạt động xã hội tại địa phương, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao…” - ông nhấn mạnh.
Về điều này, cô Trần Thị Hải, GV Tiểu học ở TP.Vinh, Nghệ An, cho biết, giảm thời lượng môn học phải đồng nghĩa với việc nội dung học phải giảm theo. “Nhiều môn học, đặc biệt là Toán tiểu học đang bị quá tải khủng khiếp. Học sinh thì đông, bài giảng thì dài. Nhiều khi chưa kịp giảng hết bài thì đã hết giờ học, chưa đảm bảo đủ thời lượng để “trả” hết bài cho học sinh chứ chưa nói gì đến việc mở rộng kiến thức hoặc kèm thêm cho các em yếu”.
Nữ giáo viên đồng thuận với việc giảm thiểu thời lượng các tiết học nhưng nhất định phải cắt giảm những kiến thức quá nặng nề với một số môn học hiện nay.
Tiếng Anh: Thời lượng quá ít
So với dự thảo ban đầu, chương trình GD phổ thông mới vẫn giữ nguyên thời lượng giảng dạy tiếng Anh cho học sinh. Theo đó, học sinh khối lớp 1, 2 chỉ học 2 tiết tiếng Anh/tuần (môn học tự chọn), học sinh khối 3, 4, 5 học 4 tiết tiếng Anh/tuần (mỗi tiết từ 35 đến 40 phút), học sinh THCS và THPT chỉ học 3 tiết tiếng Anh/tuần (mỗi tiết 45 phút).
Nội dung này đang khiến một số phụ huynh tỏ ra lo lắng khi cho rằng, thời lượng cho môn học này quá ít, trong khi môn học đang ngày càng trở nên cần thiết.
Chị Lại Hồng Hà (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con học lớp 8 cho biết, nếu không học thêm tiếng Anh ở trung tâm, con chị hầu như không thể tiếp cận được đầy đủ môn này để có thể nghe hay diễn đạt tốt tiếng Anh.
“Cho con học ở trường, chỉ mong con nắm vững ngữ pháp là giỏi lắm rồi, còn muốn con tự tin giao tiếp thì phải đi học thêm. Nếu có đổi mới chương trình, nên ưu tiên để tăng việc học tập, rèn kỹ năng môn tiếng Anh ở trường học” - nữ phụ huynh nêu ý kiến.
Còn theo cô Minh Hằng, GV tiếng Anh trực tuyến ở Hà Nội, với thời lượng hiện tại là 3 tiết/tuần, GV chỉ dạy kiến thức căn bản thôi đã không đủ. Chỉ riêng việc để học sinh nắm kiến thức căn bản đã khó, chưa nói đến việc nâng cao 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết của các em.
“Học sinh thành phố đã có nền tảng hoặc học ở trung tâm “chán chê” thì may ra mới học được 3 tiết mỗi tuần ở trường. Còn học sinh nông thôn thì học kiểu này không khác gì cưỡi ngựa xem hoa!” - theo cô Minh Hằng.
Về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đã ghi nhận ý kiến góp ý theo hướng trên của nhiều phụ huynh, giáo viên. Tuy nhiên, việc tăng thêm một vài tiết học cho mỗi môn không phải là điều thực hiện dễ dàng vì còn phụ thuộc vào định mức lao động và định mức biên chế giáo viên.
“Ví dụ, chỉ cần tăng số giờ học ngoại ngữ ở các trường THCS, THPT từ 3 tiết lên 6 tiết/tuần như đề nghị thì đồng nghĩa với việc phải tăng gấp đôi số giáo viên ngoại ngữ ở gần 11.000 trường THCS và gần 3.000 trường THPT. Đây là điều bất khả thi, kể cả trong 5 - 10 năm tới” - ông cho hay.
Lùi thời gian áp dụng chương trình mới Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa từ đầu năm học 2018-2019 như quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội (QH) đang được tính toán lại. Bởi sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã kiến nghị Bộ GD&ĐT nên xin lùi thời hạn 1 năm để có thời gian chuẩn bị tốt hơn. |