Hà Giang: Hơn 500 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu

Hải Linh
26/02/2023 - 14:28
Hà Giang: Hơn 500 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu

Hội LHPN thành phố Hà Giang nhận đỡ đầu cháu bé mồ côi Đinh Phú Nhất, sinh năm 2009, tại phường Minh Khai, TP Hà Giang

Hà Giang là một trong số ít địa phương không có trẻ mồ côi do Covid-19, song với tất cả tình thương và trách nhiệm, khi thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN và Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang đã phối hợp vận động, nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu 514 trẻ mồ côi trên địa bàn.

Trẻ em mồ côi đều có hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 277,556 km. Địa bàn biên giới rộng, địa hình hiểm trở, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hoạt động của các loại tội phạm mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển lâm sản trái phép qua biên giới vẫn xảy ra... đã ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn biên giới của tỉnh.

Hà Giang: Hơn 500 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"  - Ảnh 1.

Hội PN huyện Quang Bình đỡ đầu em Hoàng Minh Dực (SN 2016), ở thôn Chì, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện ở với ông bà đã già yếu

Bà Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang, cho biết: Để thực hiện hiệu quả cao trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", xuất phát từ việc thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Trung ương Hội phát động; Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng" và Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" do Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai đã tạo cơ hội cho các em học sinh nghèo, trẻ mồ côi vươn lên học tập. Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cấp Hội rà soát toàn bộ thông tin về trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh.

Tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh Hà Giang có 2.430 trẻ em mồ côi, trong đó mồ côi cả cha lẫn mẹ là 780 cháu, mồ côi cha hoặc mẹ 1.650 cháu. Số trẻ em mồ côi đều được xác định là có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ.

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" phát động đã được các đơn vị biên phòng và các cấp Hội LHPN tỉnh Hà Giang vào cuộc với tất cả tình thương và trách nhiệm. Cho đến nay, Hội LHPN và các đơn vị Bộ đội biên phòng trong tỉnh đã phối hợp vận động, kết nối và nhận nuôi dưỡng 514 cháu (các cấp Hội nhận đỡ đầu: 326 cháu; 21 cháu là con nuôi tại Đồn Biên phòng, 167 cháu được các đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ).

Hà Giang: Hơn 500 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"  - Ảnh 2.

Hội LHPN tỉnh Hà GIang nhận đỡ đầu em Giàng Văn Cao, SN 2009, dân tộc Mông, thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành, huyện Quang Bình, là trẻ mồ côi có hoàn cảnh vô cùng khó khăn

Trong số các bé mồ côi được Hội LHPN các cấp nhận đỡ đầu, có cháu Kim Hữu Nguyện (SN 2010), là người dân tộc Tày, sống tại thôn Mịch A, xã Thuận Hòa, Vị Xuyên. Cháu Kim Hữu Nguyện là trẻ mồ côi cả cha và mẹ, hiện đang sống cùng ông bà nội đã già yếu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Đây cũng là cháu bé thứ 2 do Hội LHPN tỉnh Hà Giang trực tiếp nhận đỡ đầu trong năm 2022. Trước đó, Hội LHPN tỉnh đã nhận đỡ đầu em Giàng Văn Cao (SN 2009), người dân tộc Mông, ở thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành, Quang Bình.

Trong năm 2022, Hội LHPN huyện Quang Bình đã nhận đỡ đầu em Hoàng Minh Dực (SN 2016), ở thôn Chì, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình. Cháu Dực cùng 2 chị gái đều mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện ở với ông bà già yếu, hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi ông bà đều không còn khả năng lao động.

Theo Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, để hỗ trợ, đỡ đầu các bé mồ côi, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã trích từ nguồn kinh phí thường xuyên của Hội và sự đóng góp của cán bộ, công chức cơ quan hỗ trợ cho mỗi bé mồ côi 6 triệu đồng/năm để động viên tinh thần, giúp các em giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, yên tâm học tập.

Ngoài việc hỗ trợ về vật chất, sách vở đồ dùng học tập, các cấp Hội còn tập trung hỗ trợ cho các con như: Hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ, kỹ năng sống và học tập.

Hà Giang: Hơn 500 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"  - Ảnh 3.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh Hà Giang tặng quà động viên cho gia đình hội viên khó khăn trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"

Phối hợp, hỗ trợ xây dựng củng cố tổ chức Hội ở địa bàn biên giới

Bà Chu Thị Ngọc Diệp chia sẻ: Thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2021 - 2025", trong 2 năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã phối hợp với BĐBP trên địa bàn tiếp tục xuống cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến hội viên, phụ nữ và nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là các xã được phân công hỗ trợ trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" về mục đích, ý nghĩa thiết thực của Chương trình và các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Trong đó, các đơn vị BĐBP tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các cấp Hội tổ chức 265 buổi tuyên truyền về phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội cho 10.856 lượt người tham gia (trong đó, tổ chức 41 cuộc truyền thông tại chợ phiên, trường học về phòng, chống các tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống mua bán bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em...).

Phối hợp mở 16 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em cho các tuyên truyền viên, trưởng thôn, bản của 34/34 xã, thị trấn biên giới. Đặc biệt, các đơn vị BĐBP tỉnh đã phối hợp với lực lượng Công an, Hội phụ nữ các huyện biên giới tổ chức 05 cuộc diễn tập xử lý tình huống về phòng, chống mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em ở địa bàn khu vực biên giới.

Thông qua diễn tập, hội viên, phụ nữ, các cháu học sinh và người dân đã nâng cao ý thức cảnh giác về phòng, chống tội phạm mua, bán người và tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.

Hà Giang: Hơn 500 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"  - Ảnh 4.

Hội LHPN cơ sở phối hợp cùng các đơn vị biên phòng vận động, giúp đỡ bà con xây dựng Mái ấm cho người có công trên địa bàn

Điều đặc biệt trong "Công tác phối hợp xây dựng, củng cố tổ chức Hội cơ sở, đặc biệt là các xã, thị trấn biên giới", các đồn Biên phòng đã phối hợp xây dựng, củng cố tổ chức Hội như: Trực tiếp cử cán bộ, chiến sỹ có trình độ, năng lực, có uy tín giúp cán bộ Hội xây dựng chương trình công tác, trên cơ sở bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nhiệm vụ công tác Hội phù hợp với điều kiện thực tế.

Phương pháp thực hiện là "Cầm tay, chỉ việc", phối hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Hội đến với hội viên, phụ nữ và nhân dân, đề xuất đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, hội viên phụ nữ ở cơ sở... 

Các buổi sinh hoạt Hội đã có nhiều đổi mới, nội dung phong phú, hấp dẫn, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ. Nhờ đó, hoạt động công tác Hội ở các xã vùng cao biên giới đã từng bước đi vào nền nếp, hệ thống tổ chức Hội các cấp ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tế ở cơ sở. Tiêu biểu như các cơ sở Hội và các đồn Biên phòng huyện Mèo Vạc, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn...

Để thực hiện có hiệu quả cao trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", trong thời gian qua, các đơn vị BĐBP tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Hội LHPN các cấp tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vận động hội viên, phụ nữ "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", xoá đói giảm nghèo với nhiều hình thức như: Giúp đỡ ngày công lao động, vốn, cây, con giống. Trong năm 2022, có hơn 1.200 lượt hội viên, phụ nữ tham gia đã góp được trên 50 triệu đồng tiền mặt, hơn 2.000 ngày công lao động; giúp 230 con gia súc, gia cầm; 5.100 cây giống, 1.820 kg giống cây trồng để hỗ trợ nhau vươn lên thoát nghèo.

Hà Giang: Hơn 500 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"  - Ảnh 5.

Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" cũng giúp nhiều chị em thoát nghèo nhờ hỗ trợ nhau con giống, cây giống

Thông qua các mô hình về phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ các xã biên giới vùng cao Hà Giang đã thoát nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, góp phần cùng lực lượng bộ đội biên phòng yên tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm