pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội đóng cửa quán ăn, cà phê từ 0h ngày 16/2: Chủ quán mong muốn được bán hàng online
Tại cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội diễn ra vào chiều 15/2, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhấn mạnh nguy cơ tại Hà Nội đang rất cao với các trường hợp dương tính mới chưa rõ nguồn lây và không rõ triệu chứng.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, theo báo cáo của đại diện Sở Văn hóa & Thể thao, Sở Du lịch, Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội và Sở Y tế, người dân vẫn tụ tập đông người tại các quán cà phê, di tích lịch sử và không đeo khẩu trang.
Do vậy, để ứng phó trước tình hình này, ông Chử Xuân Dũng đã đồng ý với đề xuất của các đơn vị, quyết định tạm dừng đóng cửa các quán ăn đường phố, quán trà đá, cà phê và tạm thời dừng mở cửa các cơ sở di tích, đình chùa, tôn giáo, từ 0h ngày 16/2.
22 giờ 58 phút cùng ngày, ít tiếng sau quyết định đột ngột trên, tại đường Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa), chị Nguyễn Thị Xuyên (47 tuổi, quê quán tại huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) bày tỏ sự lo lắng.
Chị Xuyên cùng chồng vừa mới đọc được tin tức này qua báo mạng, ngay sau đó hai vợ chồng đã thu dọn dần cho kịp thời gian đã quy định. Việc đóng cửa quán ăn, khiến gia đình chị lâm vào hoàn cảnh khó khăn, khi phải chịu thêm gánh nặng tiền mặt bằng (16 triệu đồng/tháng).
"Hai vợ chồng tôi vừa từ quê lên và mở hàng từ sáng ngày hôm nay, do đang thời điểm dịch bệnh nên lượng khách cũng không đông như mọi khi. Giờ lại phải đóng cửa thế này, có lẽ mai tôi với chồng lại phải quay trở lại quê nhà. Trước tình cảnh này, tôi chỉ mong sao không phải giãn cách xã hội và được chủ nhà giảm bớt chi phí tiền thuê mặt bằng, nhưng có lẽ khả năng này không cao", chị Xuyên buồn rầu nói. Đợt giãn cách xã hội trước đó, chủ nhà đã giảm cho chị Xuyên 10 triệu đồng tiền thuê mặt bằng.
Đối diện quán của chị Xuyên, cách đó vài chục mét, là quán cà phê Aha coffee. Trái ngược với tình trạng vắng khách của quán ăn, lượng khách trong quán cà phê này tương đối đông. Có một cặp vợ chồng và một con nhỏ, hai người phụ nữ tuổi trung niên, hai người đàn ông tuổi trung niên, còn lại là những bạn trẻ. Ngoại trừ nhân viên quán, hầu hết tất cả mọi người đều không đeo khẩu trang.
Đi tiếp sang con đường kế bên - đường Phạm Ngọc Thạch, lúc 23 giờ 09 phút, trên một đoạn vỉa hè trước Khu tập thể Kim Liên, anh Nguyễn Văn Năm (46 tuổi, trú tại phường Phương Liên, Đống Đa) và vợ là Nguyễn Thị Tân (45 tuổi) đang khẩn trương thu dọn quán bún ốc.
Anh chị vừa khai xuân lúc đầu giờ tối nay, "Nãy vừa xem điện thoại mới biết, quán ăn vỉa hè không được bán nữa, nên giờ vợ chồng tôi mới tiến hành thu dọn. Trong hoàn cảnh này, cũng không biết nói sao nữa, chỉ cố gắng chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng chống dịch của thành phố thôi", chị Tân bày tỏ.
23 giờ 22 phút, trên đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), vẫn đang có nhiều quán ăn chưa đóng cửa, nhưng tình trạng chung đều không có khách, trong đó có quán Cô Hương Béo (77 Đại Cồ Việt).
"Chúng tôi biết tin này từ lúc 22h, sau đó cả quán đã khẩn trương dọn dẹp. Điều chúng tôi mong muốn nhất trong lúc này, là được tạo điều kiện để có thể bán hàng thông qua hình thức online – giao hàng đến cho khách. Vì nếu phải tiếp tục đóng cửa, chúng tôi phải chịu gánh nặng chi phí rất lớn, trong đó vất nhất là chi phí thuê mặt bằng với 18 triệu/tháng", anh Ngô Quang Hải (27 tuổi, trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ), đại diện quán ăn chia sẻ.
Đây cũng là mong muốn của chị Bàn Thị Xuân (25 tuổi, dân tộc Dao, trú tại huyện Yên Bình, Yên Bái), chủ quán gà tần, bánh cuốn nóng gần đó. Khi được hỏi về quy định mới đây của thành phố, chị Xuân vẫn chưa tin rằng đây là thông tin chính xác, chị vừa biết tin này qua việc "lướt" facebook và nghĩ rằng đây là thông tin lá cải.
Theo như lời chị Xuân chia sẻ, quán mới khai xuân từ hôm nay, việc đóng cửa khiến nguồn thu nhập của gia đình chị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không có thu nhập, trong khi lại phải chịu thêm gánh nặng tiền mặt bằng – 15 triệu đồng/tháng.
"Trước tình cảnh này, tôi cảm thấy bất an. Giờ đây chỉ mong rằng, có thể bán hàng online và mong thành phố có văn bản hưởng dẫn cụ thể như đợt giãn cách xã hội trước đây", chị Xuân bày tỏ.
Đứng ở bên ngoài, anh Nguyễn Minh Quân (32 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng), tài xế xe ôm công nghệ đang chờ 2 suất bánh cuốn để giao cho khách. "Với đặc thù nghề nghiệp, trong những ngày qua, tôi chở rất nhiều người, nên giờ đây bản thân lo lắng bị lây nhiễm", anh Quân chia sẻ.
Anh Quân là lao động chính trong nhà, phải nuôi 2 con nhỏ (lớn 15 tuổi, bé 10 tuổi) và phụng dưỡng cha mẹ già. Vợ anh bán quần áo nhưng tới 16 tháng Giêng mới khai xuân, vì vậy để có tiền trang trải cuộc sống trong những ngày này, từ mùng 2 Tết anh đã phải chạy xe ôm.
23 giờ 33 phút, vừa nghe tiếng loa phát thông báo của Công an phường Lê Đại Hành từ ngoài đường Đại Cồ Việt, anh Nguyễn Văn Thành (26 tuổi) - chồng chị Xuân - vội kéo cửa cuốn xuống.
Trong quán có 2 khách hàng đang ăn dở bữa tối, anh Đỗ Đức Tâm (22 tuổi, trú tại quận Hà Đông) chia sẻ: "Tôi đi tìm chó lạc về muộn, đói quá phải vào đây ăn. Giờ chỉ mong sao dịch bệnh sớm được kiểm soát để còn đi làm trở lại, trước Tết thì công ty thông báo Rằm tháng Giêng đi làm, còn thời điểm này vẫn chưa rõ thời gian trở lại làm việc".
Ngồi đối diện anh Tâm, chị Chu Anh Thảo (20 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì) đang ăn dở suất bánh cuốn nóng cũng ngậm ngùi thở dài,"Quán trà sữa của gia đình tôi trên phố Hàng Khay, chi phí thuê mặt bằng là 80 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh thế này lại phải đóng cửa, nên tôi rất lo, chỉ mong sao chóng hết dịch".
23 giờ 39 phút, xe tuần tra của Công an phường Lê Đại Hành đã di chuyển tới trụ sở Bộ Giáo dục - Đào tạo (số 35 Đại Cồ Việt) và yêu cầu những bạn trẻ uống trà đá tại đây giải tán, người bán hàng nước nhanh chóng dọn dẹp, đảm bảo đúng quy định phòng chống dịch.
23 giờ 49 phút, trên phố Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng), lực lượng chức năng vẫn đang tuần tra trên tuyến phố, yêu cầu các quán cà phê dọn dẹp, đóng cửa. Trong đó có quán Mành Cà phê, theo quan sát, quán này không có khách, nhân viên của các quán này đang dọn dẹp, chuẩn bị đóng cửa quán.
Bên cạnh những quán ăn, quán cà phê đã đóng cửa theo đúng quy định của thành phố, vào thời điểm quá 0 giờ đêm, vẫn còn có những quán cà phê, nước giải khát chưa đóng cửa như - Aha coffee trên phố Hàng Khay, Aha coffee trên phố Bà Triệu, Craft Beer (157 Bà Triệu). Một số quán ăn trên đường Đại Cồ Việt, Phạm Ngọc Thạch,… vẫn chưa dọn hàng xong.
Được biết, hành động này là biện pháp mạnh tiếp theo của Hà Nội sau khi phát hiện ca bệnh người Nhật. Trước đó, từ ngày1/2, Hà Nội đã đóng cửa quán bar, vũ trường karaoke, dừng các lễ hội. Cùng với đó, người dân được khuyến cáo chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết và tuân thủ yêu cầu phòng dịch khi ra khỏi nhà.
Một số hình ảnh về các quán ăn, cà phê đóng cửa sau 0 giờ ngày 16/2: