pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội: Gia đình liệt sĩ kêu cứu vì bị bịt đường vào viếng mộ người thân
Phải làm đơn nếu muốn vào viếng mộ
Đó là trường hợp của gia đình ông Đỗ Văn Quy (SN 1953, trú phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Thông tin tới Báo PNVN, ông Quy cho biết, gia đình ông có 05 ngôi mộ gồm: Mộ cụ ông Đỗ Văn Tồn, cụ bà Nguyễn Thị Toẻn, bà Nguyễn Thị Lanh, ông Đỗ Trực Nhanh, bà Đỗ Thị Nội. Những người này lần lượt là cụ nội, bà nội, em ruột ông nội và bác ruột của ông Quy.
Tất các cả các phần mộ trên được an táng tại khu đất thuộc tổ dân phố số 16 phường Nhân Chính (gọi là gò Tu Vũ- trước là nơi an táng của người dân địa phương. Ngôi mộ sớm nhất được an táng năm 1945, muộn nhất năm 1958. Mấy chục năm nay, gia đình ông Quy vẫn hương khói, thăm viếng mộ, không phát sinh vấn đề gì. Khu mộ có xây giật 5 cấp và bia đá đề tên 05 cụ. Đường đi vào khu mộ là con đường thuộc ngõ 58 Vũ Trọng Phụng, phường Nhân Chính.
"Tuy nhiên, vào đêm rạng sáng ngày 20/11 vừa qua, một nhóm người đã quây tôn bịt đường vào, đổ bê tông toàn bộ khu đất, rộng hàng trăm m2, nơi có mộ người thân của chúng tôi. Vì nhà tôi không ở gần khu mộ, nên sáng cùng ngày, tôi mới biết chuyện. Người dân sống gần đó cho biết, việc san lấp khu đất này do Công an quận Thanh Xuân thực hiện", ông Quy kể lại.
Tìm hiểu nguyên nhân, ông Quy được biết, UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo Công an quận thực hiện để đảm bảo vệ sinh môi trường, chống lấn chiếm.
Khi ông Quy ngỏ ý muốn vào xem hiện trạng các ngôi mộ sau khi bị bịt kín lối vào, đổ bê tông thì cán bộ công an thông báo, muốn vào thì phải làm đơn xin xác nhận của UBND phường Nhân Chính.
Ngay trong ngày 20/11, theo hướng dẫn của cán bộ Toản, ông Quy vẫn làm đơn gửi phường. Cẩn thận hơn, ông còn xin xác nhận của 03 người cao niên tại địa phương (trong đó 02 người từng là cán bộ Hợp tác xã Nhân Chính) về việc gia đình ông có mộ ở khu đất trên. Dù đơn từ đã gửi, nhưng người ta vẫn không cho gia đình ông vào khu mộ.
"Đến 10 ngày sau, chiều 30/11, UBND phường mới mời gia đình tôi lên trụ sở. Họ nói, nếu muốn chuyển mộ đi nơi khác thì làm đơn trình bày nguyện vọng, họ sẽ xem xét. Chúng tôi đã làm đơn khiếu nại, trong đó nêu rõ, gia đình không có nhu cầu di dời mộ, nếu cơ quan chức năng muốn lấy đất, muốn di dời mộ, thì phải chủ động gặp gỡ, bàn thảo với gia đình tôi. Ngoài ra, đề nghị cho loại bỏ những khối bê tông đã đè lên mặt mộ và cho chúng tôi vào thăm viếng khu mộ, nhưng gần 1 tháng trôi qua, họ không hồi âm", ông Quy nói.
Ông Quy cho hay, từ trước tới nay, gia đình ông chưa từng nhận được bất kỳ thông báo nào của các cấp chính quyền về việc san lấp khu gò Tu Vũ hay việc gia đình phải di dời mộ. Ông khẳng định, ngoài 05 ngôi mộ người thân được chôn cất từ nhiều thập kỷ trước ở đây, gia đình ông không hề có đất đai hay lấn chiếm gì tại khu vực này.
Được biết gia đình ông Quy là gia đình chính sách. Ông Quy là thương binh, em trai ruột là Đỗ Văn Quỳ, liệt sĩ chống Mỹ, hy sinh năm 1974.
Cơ quan chức năng nói gì?
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Tùng, Phó chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết: Ngày 30/11, phường đã có buổi làm việc với gia đình ông Quy. Tại buổi làm việc này, phường có yêu cầu là nếu gia đình muốn ra vào khu đất có phần mộ và xa hơn nữa là muốn di chuyển mộ phần thì cần phải có đơn đề nghị gửi tới UBND phường. Trên cơ sở đó, phường sẽ báo cáo và xin chủ trương từ các cơ quan cấp trên xem xét, giải quyết. Hiện tại, phường vẫn chưa nhận được đơn đề nghị nguyện vọng của gia đình nên chưa thể có hướng xử lý.
Thông tin đến nội dung phản ánh của ông Quy, Trung tá Bùi Quang Hưng (Đội trưởng Đội An ninh – Công an quận Thanh Xuân) cho biết, năm 2009, UBND quận Thanh Xuân đã có quyết định tạm bàn giao khu đất gò Tu Vũ rộng trên 1.000m2 (hiện chỉ còn hơn 800 m2), cho Công an quận quản lý.
Tháng 10/2020, thực hiện chỉ đạo từ phía UBND quận, Công an quận đã triển khai biện pháp bảo vệ khu đất nhằm chống việc lấn chiếm và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong quá trình thực hiện công việc, công an xác định trong khu đất có một gò đất nhô cao xây giống mộ chí, có một bát hương, một bia đá ghi tên 5 người.
Khi đó Công an quận đã trao đổi với UBND phường Nhân Chính, cử cán bộ phối hợp xác minh mộ chí trên là thật hay giả và nguồn gốc, nhưng không có ai tới nhận. Chính vì vậy, ngày 20/11, Công an quận Thanh Xuân đã tiến hành san lấp, đổ bê tông và quây tôn khu đất trên. Sau đó ông Quy và người thân tìm tới nói đó là phần mộ của gia đình và xin vào thắp hương.
Hiện tại Công an quận vẫn đang phối hợp và chờ phía UBND phường Nhân Chính thông tin về nguồn gốc của phần mộ trên. Trong trường hợp xác định đó chính là mộ phần của gia đình ông Quy, Công an quận sẽ tạo điều kiện để họ ra vào hương khói vào các ngày giỗ, lễ theo đúng phong tục tập quán.
Trở lại với ông Quy, người thương binh này cho biết thêm, phần mộ người thân của ông yên lành hơn 70 năm nay, trong khu đất vốn là nghĩa trang của làng. Hàng năm họ đến viếng mộ, thắp hương đúng phong tục, tập quán, giờ họ san lấp, đổ bê tông, bịt lối vào, lại bắt phải làm đơn và ra vào được sự cho phép của công an.
Đặc biệt, theo ông Quy, khu mộ có trước trụ sở Công an quận Thanh Xuân hàng chục năm, nếu họ muốn sử dụng khu đất đó thì phải di dời các ngôi mộ đi chỗ khác và phải chủ động thông báo, trao đổi với gia đình người có mộ. Ngược lại, nếu khu đất không thuộc quyền sử dụng riêng của đơn vị thì phải để đường đi cho dân vào hương khói.
Ông Quy cũng đặt ra vấn đề, nếu công an đi xác minh, tìm hiểu nguồn gốc mộ thì gặp ai, sao không liên hệ với gia đình ông? "Chỉ cần họ thông báo cho tổ trưởng dân phố hay đơn giản hơn là thông báo sự việc trên loa truyền thanh của phường thì sau 10 phút, gia đình tôi sẽ có mặt, vì nhà tôi cách phường có vài trăm bước chân. Không có lý do gì mà chúng tôi phải chờ đến khi người ta đổ bê tông lên mộ cụ kỵ, ông bà mình rồi mới ra nhận mộ", ông Quy nói.