pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội: Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại hội nghị
Hội nghị được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả, thực trạng, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn và nguyên nhân trong triển khai các quy định của luật hiện hành, từ đó kiến nghị đề xuất sửa đổi Luật, bảo đảm tính thực tiễn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong thời kỳ mới.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội, cho biết, là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, Hội LHPN Hà Nội trong thời gian qua đã tham gia giải quyết, lên tiếng trong nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, với vai trò là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội LHPN có trách nhiệm phản biện vào các quy định pháp luật, trong đó có dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang trong quá trình tiếp thu, sửa đổi và trình các cơ quan thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội trong thời gian tới. Dự thảo được sửa đổi, bổ sung với 6 chương, 62 điều, tăng 6 điều so với luật hiện hành.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến về vấn đề về lồng ghép giới trong dự thảo Luật; quy định về trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, của Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); các quy định về báo tin, tố giác; các quy định liên quan đến mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, những ý kiến của các đại biểu đều thiết thực, xác đáng; đồng thời mong muốn nhận được văn bản góp ý, những đề xuất thay đổi dự thảo Luật sớm nhất để trình Quốc hội trong thời gian tới…
Trên 90% phụ nữ bị chồng bạo hành không tìm kiếm sự giúp đỡ
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành từ năm 2007 và có hiệu lực từ 1/7/2008, đến nay đã 14 năm triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong thực tế, BLGĐ vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ nghiêm trọng.
Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Theo Báo cáo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021 có 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất 1 hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình.
Trên địa bàn Hà Nội, có 387 vụ bạo lực gia đình trong 3 năm, 2019-2021.