pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội: Phụ huynh loay hoay tìm trường mầm non cho con
Trẻ vệ sinh tay trước khi vào lớp. Ảnh minh họa
"Tưởng con được đến trường, ai ngờ vẫn phải học… lớp bà ngoại"
Trước đây, chị Nguyễn Thị Vân (trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) gửi con tại một trường mầm non tư thục ở đầu đường Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung). Khi có thông tin thành phố Hà Nội cho trẻ mầm non trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19, chị không thấy nhà trường thông báo về việc mở cửa trở lại nên đến tận nơi tìm hiểu. Đến nơi, trụ sở trường nơi con chị từng học đã thành một văn phòng công ty. Chị hỏi cô chủ nhiệm thì được biết, trường đã giải thể do không kham nổi chi phí thuê mặt bằng trong thời gian dịch bệnh.
Chị tìm cách xin học cho con vào một trường công thì được trả lời đã quá tải. Cực chẳng đã, vợ chồng chị đành nhờ bà ngoại ở quê lên trông con giúp một thời gian. "Tưởng con được đến trường ngay, ai ngờ vẫn phải ở nhà học lớp "bà ngoại", chị Vân chia sẻ.
Cũng như chị Vân, sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh, trường mầm non tư thục nơi bé nhà chị Trần Thu Huyền (quận Hoàng Mai, Hà Nội) từng học cũng phải dừng hoạt động. Chị vào nhóm trên mạng xã hội dành cho cư dân nơi chị đang ở, thấy một cô giáo mầm non thông báo tuyển học sinh từ 3 đến 5 tuổi, học phí gồm cả ăn trưa và bữa ăn nhẹ buổi chiều là 2 triệu đồng/tháng. Chị đến nhà cô giáo tìm hiểu, được biết trong thời gian dịch bệnh, cô và nhóm giáo viên trong trường nhận giữ trẻ cho các gia đình có nhu cầu. Lớp học là căn hộ của cô giáo. Ngoài ra, nhóm giáo viên của cô cũng góp vốn, mua sắm đồ chơi, dụng cụ dạy học cho các bé. Do trường đã giải thể nên các cô tự mở nhóm trẻ tại chung cư và khu vực lân cận. Thấy vậy, chị đăng ký ngay cho con. Sau 2 ngày, bé bắt đầu đến nhà cô giáo học. "Biết là điều kiện học không được như ở trường nhưng giờ có người trông con để mình đi làm là tốt rồi", chị Huyền chia sẻ.
Không phải gia đình nào cũng tìm được người trông con như chị Vân và chị Huyền. Với gia đình chị Nguyễn Thị Hải (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, chị đã gửi con về quê nhờ ông bà chăm giúp. Khi biết trường mầm non trong thành phố được mở cửa trở lại, vợ chồng chị về quê đón con nhưng sau một tuần, chị vẫn chưa tìm được chỗ gửi con. Những ngày con ở nhà, vợ chồng phải thay nhau nghỉ làm để trông con. Vì thế, trong thời gian chờ tìm được trường mới, vợ chồng chị quyết định mời bà nội từ quê lên trông giúp, vì hai vợ chồng không thể nghỉ làm mãi để trông con được.
Chị Nguyễn Thị Thảo, một phụ huynh ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), hoang mang khi chủ trường thông báo chính thức đóng cửa. Chị Thảo cho biết, chị đã lên mạng, tìm hiểu các trường mầm non gần nhà nhưng đến nay chị vẫn chưa tìm được trường nào phù hợp cho con.
Vì sao thời điểm này khó tuyển giáo viên mầm non?
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Ngọc, chủ trường Mầm non Hoa Sen (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), khi Hà Nội quyết định cho trẻ mầm non trở lại trường, chị đã đăng tin tuyển giáo viên trong các hội, nhóm trên Facebook với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng, cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, đến nay, chị vẫn chưa tìm được người. "Tôi đã đăng tin tuyển dụng lên nhiều hội, nhóm với mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn nhiều so với trước nhưng đã hơn một tuần vẫn không tìm được ai. Vì thế, đến nay trường chỉ có 8 giáo viên, trong khi trước dịch là 22 giáo viên", chị Ngọc chia sẻ.
Vì sao thời điểm này lại khó tuyển giáo viên mầm non đến vậy? Chị Nguyễn Thị Nhung, giáo viên một trường mầm non tư thục tại phường Đại Từ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trường mầm non nơi chị công tác phải đóng cửa. Không còn việc làm, chị khi thì về quê, lúc lại bám trụ ở Hà Nội tìm việc. Sau Tết Nguyên đán 2022, chị quyết định thuê nhà, mở một cửa hàng bán đồ ăn vặt gần trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Mới đây, khi thành phố cho phép trường mầm non mở cửa trở lại, trường cũ gọi chị đi làm trở lại nhưng chị từ chối. "Trước khi có dịch, lương của tôi chỉ được khoảng 6 triệu đồng/tháng, quá thấp so với mặt bằng chung. Trong khi đó, công việc của giáo viên mầm non nhiều áp lực. Đó là chưa kể đi làm thời điểm này chỉ được 2-3 tháng sẽ nghỉ hè, giáo viên lại không có lương. Do đó, tôi dồn công sức để phát triển cửa hàng chứ không quay lại với nghề nữa", chị Nhung chia sẻ.