Hà Nội phun hóa chất khắp nơi để hạ hỏa dịch SXH

10/08/2017 - 19:15
Bộ trưởng Y tế đề nghị Hà Nội không còn cách nào khác ngoài phun hóa chất khắp nơi để hạ hỏa dịch sốt xuất. Còn Phó giám đốc Sở Y tế cho biết sẽ tung vũ khí tốt nhất để dập dịch.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đang diễn biến ngày càng phức tạp, chiều muộn ngày 10/8, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để tìm cách đối phó, ngăn chặn.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp SXH, trong đó 22 ca tử vong. Trong đó bệnh nhân bị SXH, có 69.085 trường hợp phải nhập viện, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo ông Phu, số ca mắc SXH chủ yếu tập trung ở miền Nam (55% số trường hợp bệnh nhân) còn miền Bắc 21%. Các tỉnh, thành có số ca mắc SXH cao gồm: TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Khánh Hòa và Tiền Giang,...

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, theo giám sát, nguyên nhân khiến số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh là do mật độ muỗi tăng nhiều, các dụng cụ là nơi bọ gậy, loăng quoăng phát triển còn nhiều, lượng mưa năm nay cũng đến sớm hơn mọi năm. Đặc biệt, hiện nay miễn dịch cộng đồng thấp hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, do ý thức thu dọn vệ sinh, phối hợp với ngành y tế phun hóa chất diệt muỗi của người dân còn thờ ơ.
20733005_1799696463425938_436573006_n.jpg
Toàn cảnh buổi họp khẩn của Bộ Y tế

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố ghi nhận 13.982 ca mắc, trong đó 7 trường hợp tử vong. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cho biết, tính từ 21/7 đến 9/8, chỉ tính riêng tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ đã ghi nhận khoảng 2.027 ca SXH thì có tới 1.760 ca là bệnh nhân tại Hà Nội, chiếm 87%.

Lý giải nguyên nhân khiến SXH gia tăng, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, dù Hà Nội đã và đang áp dụng các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy nhưng do yếu tố khách quan về thời tiết mưa nhiều, môi trường ẩm ướt, đặc biệt vấn đề di cư của người dân gia tăng, nên khiến số ca mắc cũng tăng. Ngoài ra, những năm trước Hà Nội chỉ ghi nhận số ca mắc ở tuýp D 1,2 nhưng năm nay ghi nhận thêm ca mắc tuýp D4.
 
Cũng theo ông Hạnh, biện pháp phòng SXH hiện nay là dựa vào cộng đồng để diệt muỗi, bọ gậy. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp này chưa làm triệt để, do người dân vẫn chưa ý thức chủ động dọn vệ sinh các dụng cụ chứa nước có bọ gậy sinh nở và phối hợp với ngành y tế khi phun hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, việc phun hóa chất cũng gặp khó khăn, cả thành phố chỉ có 2 ô tô phun hóa chất.
20793512_1799696026759315_1138926439_o.jpg
ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu

 Để khống chế dịch SXH, ông Hạnh cho biết hiện ngành y tế Hà Nội đã triển khai 2 biện pháp. Thứ nhất là thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch SXH. Các đội xung kích này gồm thanh niên địa phương có sức khỏe, được tập huấn kỹ thuật, thông thạo địa hình đến các gia đình để tuyên truyền, diệt bọ gậy. Mỗi đội xung kích chỉ quản lý từ 30 đến 50 hộ gia đình, mỗi tuần đều đến các hộ gia đình để kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, các quận/huyện cũng đã thành lập Tổ giám sát phòng, chống dịch SXH để kiểm soát tình hình dịch bệnh trên toàn địa bàn thành phố. Mỗi đội giám sát này có cả cán bộ kỹ thuật, nhân viên y tế để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ việc diệt lăng quăng/bọ gậy. "Chúng tôi xem đây là vũ khí tốt nhất để dập dịch", ông Hạnh nói,

Giải pháp thứ hai là Hà Nội tăng cường công tác phun hóa chất. Cả thành phố hiện có 150 đội, mỗi đội có 2 công nhân và một nhân viên kỹ thuật. Đội phun hóa chất này sẽ đến từng nhà để phun hóa chất. Ngoài ra, các địa điểm như bãi trống, nhà hoang cũng sẽ được phun hóa chất để diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy.
 
Tuy nhiên, khi được hỏi khi Hà Nội triển khai 2 biện pháp quyết liệt trên, số ca SXH có có giảm không, ông  Hạnh cho biết: Trong một vài tuần tới, số ca mắc SXH vẫn chắc chắn gia tăng chứ chưa giảm ngay được.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện dịch bệnh tăng nhanh, gây quá tải tại các BV. Vấn đề quan trọng hiện nay là tránh cho muỗi đốt và diệt muỗi. Tiếp đó là tuyên truyền cho người dân để diệt lăng quăng, bọ gậy nhằm hạn chế sự phát triển của trung gian truyền bệnh. Ngoài ra, người dân cũng không nên cứ bị SXH là đến BV, chỉ nhập viện khi có chỉ định của bác sĩ.  
Nếu điều trị ngoại trú thì uống nhiều nước, giải nhiệt bằng quạt mát và chườm khăn ấm, nghỉ ngơi hợp lý.
Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh có thể hỗ trợ máy móc cho Hà Nội. Tập trung máy móc, hướng dẫn cách pha, phun hóa chất khắp nơi chứ không còn cách nào khác để "hạ hỏa". Phun hóa chất ở trường học, chợ, bệnh viện, trạm y tế, công trường bởi đó chính là ổ để truyền bệnh. Đồng thời, lập bản đồ khu vực dịch và tập trung xử lý. Ngoài ra, ngành y tế cần huy động xe ô tô phun hóa chất của các tỉnh lân cận với khoảng 20 xe để phun nhằm nhanh chóng dập dịch. Bên cạnh đó, ngành y tế Hà Nội phải tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu và tham gia để hạn chế chống dịch. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm