pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Tĩnh: Tăng tính liên kết trong sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương
Đại diện Hội LHPN huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) trao hỗ trợ cho một tổ hợp tác phát triển kinh tế của phụ nữ địa phương
PV: Xin chị cho biết, thời gian qua, Hội LHPN huyện Đức Thọ đã triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939) ở địa bàn nông thôn như thế nào?
Chị Trần Thị Thuỳ Nhung: Chúng tôi đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn về việc hỗ trợ xây dựng các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng sản phẩm Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP); đăng ký các mô hình thuộc Đề án 939, hỗ trợ phụ nữ nghèo xây dựng mô hình sinh kế...
Đặc biệt, hằng năm, Hội đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, trong đó, có các chỉ tiêu thực hiện Đề án 939 như thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, mô hình vườn mẫu, cải tạo chỉnh trang vườn tạp, đào tạo nghề…
Sau 5 năm thực hiện Đề án 939, chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả như: Tổ chức 775 cuộc tuyên truyền, tập huấn Đề án 939 cho 62.000 lượt hội viên; phối hợp tổ chức 35 lớp đào tạo nghề cho 1.225 học viên. Sau đào tạo nghề các hội viên đã áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi trong gia đình.
Đầu năm 2024, chị em được học thêm nghề may, sau khi học đã tham gia tuyển dụng vào nhà máy trên địa bàn và có việc làm ổn định.
Tham gia các cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiêp" do Hội cấp trên tổ chức, Hội LHPN huyện Đức Thọ có 43 ý tưởng dự thi, có 5 ý tưởng đạt giải tại chung kết cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh.
Hội LHPN huyện đã vận động, hướng dẫn chị em thành lập mới 6 HTX, 66 tổ hợp tác, 148 mô hình. Đã có 15 sản phẩm do Hội vận động và hội viên phụ nữ tham gia quản lý đạt tiêu chuẩn OCOP…
PV: Quá trình triển khai hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở địa phương có những khó khăn gì, thưa chị?
Chị Trần Thị Thuỳ Nhung: Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung, hoạt động khởi nghiệp hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và của lực lượng phụ nữ trên địa bàn huyện. Mô hình sản xuất do phụ nữ làm chủ quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, tính bền vững chưa cao.
Tỷ lệ phụ nữ làm chủ HTX, tổ hợp tác còn ít so với nam giới. Chưa thành lập được nhiều doanh nghiệp, HTX giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho hộ gia đình.
PV: Để khắc phục những hạn chế đó, thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ làm gì, thưa chị?
Chị Trần Thị Thuỳ Nhung: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung triển khai loại hình kinh tế hộ gắn với sản phẩm cây trồng, con giống chủ lực của huyện theo hướng liên doanh, liên kết, thành lập tổ hợp tác, HTX ở các lĩnh vực cụ thể như: sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (các xã vùng lúa), sản xuất lúa gạo hữu cơ, sản xuất rau công nghệ cao, sản xuất chăn nuôi, phát triển mô hình kinh tế vườn đồi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn, vận động hội viên phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP, chế biến sản phẩm theo lợi thế tại địa phương; đồng thời, tăng cường kết nối, phát hiện, bồi dưỡng, huy động nguồn lực hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của chị em.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tổ chức cho chị em tham quan, học tập các mô hình kinh tế và sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh để về triển khai phù hợp tại địa phương mình.
PV: Xin cảm ơn chị!