Hải Phòng: Hơn 2.000 lượt chủ nhóm trẻ được tập huấn, 70 mô hình “Cha mẹ làm bạn cùng con” được thành lập

Trường Hùng
06/08/2021 - 18:46
Hải Phòng: Hơn 2.000 lượt chủ nhóm trẻ được tập huấn, 70 mô hình “Cha mẹ làm bạn cùng con” được thành lập

Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng Trần Thị Thu (áo hoa xanh, đứng giữa) thăm hỏi, tặng quà các chủ nhóm trẻ tham gia Đề án trên địa bàn quận Lê Chân.

Trong vòng 5 năm, Đề án 404 được Hội LHPN TP Hải Phòng triển khai đã tập huấn kiến thức nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng chăm sóc trẻ cho hơn 2.000 lượt chủ nhóm trẻ, giáo viên, bảo mẫu. Cùng với đó, tuyên truyền, thành lập 70 mô hình “Nhóm cha mẹ làm bạn cùng con”.

Thành phố Hải Phòng hiện có 12 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, trong đó có 81.836 lao động nữ. Tỷ lệ nữ công nhân có con dưới 36 tháng tuổi chiếm 72,6%. Số trẻ em con công nhân lao động là 12.134 trẻ. Số lao động nữ gửi con trong các nhóm trẻ KCN chiếm tỷ lệ là 0,5%. Số nữ công nhân gửi con trong các nhóm trẻ tại địa bàn dân cư là 70%. Trong đó, số nhóm trẻ độc lập tư thục dưới 36 tháng tuổi có đông con công nhân chưa được cấp phép trên địa bàn thành phố chiếm 46,5%.

Đề án "Hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 404) đã góp phần giúp các nữ công nhân yên tâm gửi con để tập trung lao động, sản xuất. Xác định trách nhiệm, vai trò của tổ chức trong việc triển khai thực hiện, Hội LHPN TP Hải Phòng đã nỗ lực, tiên phong trong mọi hoạt động để Đề án được triển khai tại Hải Phòng.

Năm 2015, Hội LHPN TP đã tham mưu cho UBND TP thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án (Hội LHPN TP cơ quan là thường trực giúp việc cho BCĐ Đề án TP), xây dựng Quy chế hoạt động của BCĐ Đề án.

Hỗ trợ cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi trang thiết bị dạy học cho các nhóm trẻ tư thục

70 nhóm trẻ tư thục được Đề án hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trị giá 2 tỷ đồng. Cùng với việc các nhóm trẻ tự đầu tư 8 tỷ đồng mua sắm đồ dùng trang thiết bị dạy học, Đề án đã huy động sự vào cuộc của Ban giám đốc, công đoàn các KCN lớn với số tiền 720 triệu đồng, hỗ trợ các nhóm trẻ có cơ sở vật chất khang trang hơn.

So với thời điểm khảo sát lúc đầu triển khai dự án, hiện nay tất cả các nhóm trẻ tư thục này đã có các góc học tập, giá đồ chơi. Khu vui chơi của trẻ được trang bị nhiều thiết bị hơn, khu bếp ăn tuân thủ quy trình khép kín theo quy định của Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng.

Hải Phòng: Hơn 2.000 lượt chủ nhóm trẻ được tập huấn, 70 mô hình “Cha mẹ làm bạn cùng con” được thành lập - Ảnh 1.

Giáo viên, bảo mẫu chăm sóc trẻ tại hệ thống trường Mầm non Ánh Dương tại Hải Phòng

Nhóm trẻ không còn hoạt động theo nghĩa trông coi trẻ mà đã triển khai được các hoạt động giáo dục theo quy định của bậc học mầm non. Các nhóm trẻ tham gia Đề án đã được Đề án hỗ trợ các điều kiện, tư vấn hoàn thiện các thủ tục, đến nay 70/70 nhóm trẻ độc lập tư thục đã được cấp phép hoạt động.

Tập huấn nâng cao năng lực

Thông qua Đề án, 2.350 lượt chủ nhóm trẻ, giáo viên, bảo mẫu được tập huấn kiến thức nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng chăm sóc trẻ. Các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phương pháp dạy và học giữa chủ các nhóm trẻ độc lập tư thục với Ban giám hiệu các trường công lập trên địa bàn được tổ chức. 30 giáo viên của các nhóm trẻ hưởng lợi còn được khuyến khích, tạo điều kiện theo học các lớp Trung cấp, Đại học mầm non để chuẩn hóa bằng cấp.

Song song với các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, Đề án còn cấp phát hàng triệu bộ tài liệu, tổ chức hàng ngàn buổi truyền thông trên hệ thống loa phát thanh địa phương, truyền thông trực tiếp bằng hình thức sân khấu hóa tại các khung giờ trùng với giờ phụ huynh đón trẻ. Qua đó tuyên truyền về kiến thức chăm sóc cho sự phát triển toàn diện của trẻ từ đó đã thành lập được 70 mô hình "Nhóm cha mẹ làm bạn cùng con".

Hải Phòng: Hơn 2.000 lượt chủ nhóm trẻ được tập huấn, 70 mô hình “Cha mẹ làm bạn cùng con” được thành lập - Ảnh 2.

Hội LHPN TP Hải Phòng đến thăm hỏi, trao đổi công tác chuyên mốn với chủ các nhóm trẻ trên địa bàn

"Khi chưa có Đề án, nghe tin tức về việc bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non, tôi vô cùng lo lắng. Giờ đây, khi Đề án được triển khai cùng với sự vào cuộc tích cực của tổ chức Hội, chúng tôi trở nên yên tâm hơn", chị Nguyễn Thị Hòa, phụ huynh gửi con tại Nhóm trẻ Hoa Lan (xã Phả Lễ, Thủy Nguyên) chia sẻ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Đồng hành cùng tiến trình triển khai Đề án, Hội LHPN các cấp đã luôn sâu sát, động viên, đôn đốc các nhóm trẻ, khéo léo góp ý về phần ăn, chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng như các vấn đề vệ sinh trường, lớp, vệ sinh thân thể cho trẻ; vấn đề an toàn phòng chống cháy, nổ, tai nạn thương tích, bạo hành trẻ...

Từ đó kịp thời thông tin, phản ánh tình hình các nhóm trẻ và đề xuất với Hội LHPN TP, BCĐ Đề án giải quyết những vấn đề phát sinh tại các nhóm trẻ. Do đó, sau 5 năm triển khai Đề án với gần 750 buổi kiểm tra, giám sát tại các nhóm trẻ chưa xảy ra tình trạng mất an toàn cho trẻ, bạo hành trẻ em, tai nạn thương tích; ngộ độc thực phẩm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ cấu dinh dưỡng trong các bữa ăn của trẻ đảm bảo các nhóm chất theo tháp dinh dưỡng; 100% các nhóm trẻ tuân thủ đầu tư trang thiết bị dạy học trị giá 8 tỷ đồng. Kịp thời nâng cao chất lượng dạy học theo như cam kết với Đề án, giáo án của giáo viên trong mỗi giờ lên lớp tuân thủ theo giáo trình chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Việc làm của cán bộ Hội các cấp là tiền đề cho việc thành lập 70 tổ giám sát các nhóm trẻ độc lập tư thục tại các xã, phường triển khai Đề án.

Hải Phòng: Hơn 2.000 lượt chủ nhóm trẻ được tập huấn, 70 mô hình “Cha mẹ làm bạn cùng con” được thành lập - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng Vũ Thị Kim Liên (người thứ 3, từ phải sang) thăm hỏi, động viên chủ các nhóm trẻ tham gia Đề án trước thềm năm học mới

Chia sẻ về những kết quả mà Đề án đã đạt được, bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng cho biết, những kết quả mà Đề án đã đạt dược trong giai đoạn trên đã góp phần giảm sự quá tải cho một số trường mầm non công lập tại Hải Phòng. Đặc biệt tại các quận, huyện có nhiều KCN, khu chế xuất.

"Tạo việc làm cho một số giáo viên mầm non được đào tạo nhưng chưa có việc làm. Dần khép lại khoảng cách giữa các trường mầm non tư thục, các nhóm trẻ độc lập tư thục với mầm non công lập. Kết quả đạt được tuy còn khiêm tốn nhưng Đề án 404 tại Hải Phòng đã tạo hiệu ứng xã hội tốt và tính nhân văn sâu sắc", bà Vũ Thị Kim Liên cho hay.

Phát huy những kết quả đã đạt được ở trên, căn cứ tình hình thực tế, Hội LHPN TP Hải Phòng đã tham mưu, trình UBND TP và bảo vệ thành công việc triển khai Đề án 404 sau năm 2020. Đây cũng là đơn vị duy nhất trong cả nước tính đến thời điểm này, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 404 giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả thực hiện Đề án 404 sẽ góp phần thực hiện thắng lợi công tác an sinh xã hội của thành phố đến năm 2025 cũng như công tác giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố.

Đề án 404 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi đang có con gửi tại các nhóm trẻ độc lập tư thục. Hải Phòng là một trong 10 tỉnh, thành phố trên cả nước được chọn làm điểm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm