Coi tiết kiệm là quốc sách, có biện pháp dài hạn bắt đầu từ giáo dục

PV
26/07/2021 - 14:25
Coi tiết kiệm là quốc sách, có biện pháp dài hạn bắt đầu từ giáo dục

Đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Đây là đề xuất của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường về Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Theo đó, trong dài hạn cần có biện pháp, chương trình giáo dục để làm cho tiết kiệm và chống lãng phí trở thành đức tính của mỗi người.

Phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 26/7, đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thông qua chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, của các địa phương đã góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu đề ra và đặc biệt tháo gỡ khó khăn, kịp thời các vấn đề lớn.

Thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian tới, đại biểu kiến nghị, phải có đầy đủ các cơ chế, chính sách, các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm trong lĩnh vực tài chính ngân sách, tài sản nhà nước.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các quy định về định mức tiêu chuẩn chuyên ngành, các tiêu chí cụ thể trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.

"Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đó chính là ý thức của mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp và mỗi người dân, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", đại biểu Hoàng Thị Đôi nói.

Coi tiết kiệm là quốc sách, có biện pháp dài hạn bắt đầu từ giáo dục - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH TPHCM. Ảnh: TTXVN

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng: Tiết kiệm, chống lãng phí muốn thực chất thì phải bền vững, phải lâu dài, mọi nơi, mọi lúc, mọi việc; phải trở thành một thói quen, một nếp sống của từng cá nhân; là một yêu cầu đối với một cán bộ, công chức ở một cơ quan. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ví dụ một vài quốc gia giàu có, coi tiết kiệm, chống lãng phí trở thành một yêu cầu, một thói quen từ trẻ em ở các nhà trẻ, mẫu giáo và trong gia đình. Về trung hạn và về dài hạn, chúng ta phải có biện pháp, có những chương trình, kế hoạch để giáo dục, để làm cho tiết kiệm và chống lãng phí trở thành đức tính. "Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành một quốc sách nhưng cần bắt đầu từ giáo dục", đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm