pnvnonline@phunuvietnam.vn
ĐBQH: TYM là minh chứng cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Chính sách – Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại tổ. Ảnh quochoi.vn
Chiều 24/7, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về nội dung Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Phát biểu tại Tổ 20 về nội dung và Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Chính sách – Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Qua hoạt động tiếp xúc cử tri ở Tiền Giang, phần đa cử tri vùng nông nghiệp này trăn trở tình trạng nông sản được mùa thì rớt giá. Đơn cử như mít ở địa phương này rất ngon nhưng chỉ có 2.000 đồng/kg, lại thường bị thương lái ép giá, khiến nguồn thu cả vụ không đủ trang trải chi phí. Thậm chí người dân phải vứt bỏ nông sản của mình, thì chính là một sự lãng phí và rất đau lòng.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT có những giải pháp quyết liệt hơn, có chiến lược dài hạn hơn để giải quyết tình trạng này. Qua đó, giúp được cho bà con nông dân nâng cao đời sống thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời cũng là thực hành tốt nhất chống lãng phí.
Đề xuất thêm giải pháp về thực hành tiết kiệm, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nêu minh chứng từ hoạt động của Hội LHPN Việt Nam. Từ năm 2012 tới nay, thông qua hoạt động của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương – TYM (thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam), đã huy động được số tiền tiết kiệm lên tới hơn 10.900 tỷ đồng.
Điểm đặc biệt, mức tiết kiệm của chị em chỉ 5.000 đồng, là mức rất khiêm tốn, rất phù hợp với phụ nữ vùng khó khăn; nhưng hoạt động tiết kiệm "tích tiểu thành đại" này đã hỗ trợ cho hơn 600 ngàn lượt chị em phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế. Không chỉ vậy, ở nhiều địa phương, chị em sử dụng tiền tiết kiệm này một cách rất ý nghĩa, như giúp nhau mua bảo hiểm y tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho một bộ phận không nhỏ chị em.
Đại biểu Thanh Cầm bày tỏ mong muốn phong trào tiết kiệm như trên sẽ trở thành toàn diện hơn, rộng lớn hơn; có thể trở thành nét văn hóa và thói quen hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam.
Trước đó, Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc cho biết: Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành đẩy đủ và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh việc triển khai quyết liệt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp trước các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, đề án quan trọng phát triển đất nước như: Tiếp tục kiện toàn bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn; Triển khai, thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, thu hồi số lượng lớn tiền, tài sản cho Nhà nước, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân...